Thông tin hội viên

VRG: Thực hiện nhiều giải pháp quản lý kỹ thuật nông nghiệp khai thác tối đa năng lực vườn cây

01/09/2024

Các đơn vị thành viên VRG phải quản lý linh hoạt và hiệu quả, phấn đấu vượt 5% kế hoạch sản lượng năm 2024.
 


Từ đầu năm đến nay, việc thực hiện kế hoạch sản lượng của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đặt ra còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các đơn vị linh hoạt, quyết liệt tập trung quản lý đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo năng suất vườn cây ổn định, phấn đấu tổng sản lượng toàn VRG năm 2024 đạt 470.000 tấn, vượt trên 5% so kế hoạch.
Tình hình thời tiết bất lợi, bệnh hại khó lường
Mùa cạo năm 2024, các đơn vị thành viên VRG có nhiều thuận lợi khi giá bán mủ cao hơn so năm 2023, công tác giao kế hoạch sớm và các đơn vị chủ động trang bị vật tư, quản lý và sử dụng phân bón sớm hơn so với năm 2023. Tuy nhiên, tình hình nắng hạn rất nghiêm trọng, số lượng cây cao su kinh doanh bị chết đến 165.650 cây, chủ yếu khu vực Campuchia và Bình Thuận (quy đông đặc 298 ha). Hiện tượng giông lốc làm gãy đổ 22.967 cây (quy đông đặc 41 ha). Ngoài những cây bị thiệt hại hoàn toàn, diện tích bị ảnh hưởng trực tiếp có khả năng phục hồi chậm ước khoảng 538 ha. Tình hình thời tiết còn bất lợi trong những tháng còn lại, dự báo hiện tượng La Nina có khả năng hình thành từ tháng 9 trở đi với xác suất trên 70%, mưa bão tập trung từ tháng 8 – 10. Tình hình bệnh hại chưa thể lường trước được.
Ông Nguyễn Quốc Cường – Phó Ban Quản lý kỹ thuật (QLKT) VRG, cho biết: “Vừa qua, do ảnh hưởng nắng hạn diễn ra gay gắt, thời gian mở cạo xả chậm hơn cùng kỳ khoảng 20 ngày nên tiến độ thu hoạch mủ trong quý II rất chậm, sản lượng chỉ đạt 56.919 tấn, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 về lượng lên đến 22.855 tấn. Sản lượng thực hiện lũy kế đến 30/6 đạt 115.296 tấn, tương ứng tỷ lệ 26% kế hoạch năm 2024 là 444.250 tấn. So cùng kỳ năm 2023, về lượng ít hơn 16.266 tấn, về tỷ lệ thấp hơn 4,9%”.
Từ đầu tháng 01 và kết thúc quý I, tiến độ sản lượng khả quan, công tác phòng trị bệnh phấn trắng có hiệu quả nên tán lá xanh tốt. Vì vậy, VRG đặt mục tiêu phấn đấu tổng sản lượng cả năm 2024 đạt 470.000 tấn, vượt trên 5% so kế hoạch, để đạt được mục tiêu này trong quý III và quý IV VRG phải thực hiện sản lượng quý III 160.145 tấn, đạt tỷ lệ 36% so kế hoạch năm 2024; quý IV 193.169 tấn, đạt tỷ lệ 43,5% so kế hoạch năm 2024. Ban QLKT của VRG đã phân kỳ sản lượng từng tháng, trung bình sản lượng hàng ngày của từng tháng để theo dõi tiến độ, cụ thể: tháng 8 sản lượng 54.997 tấn, bình quân 1.774 tấn/ngày; tháng 9 sản lượng 55.891 tấn, bình quân 1.863 tấn/ngày; tháng 10 sản lượng 61.581 tấn, bình quân 1.986 tấn/ngày; tháng 11 sản lượng 64.437 tấn, bình quân 2.148 tấn/ngày; tháng 12 sản lượng 67.151 tấn, bình quân 2.166 tấn/ngày.
Ước thực hiện sản lượng cả năm 2024
Nhiều giải pháp tối đa hóa năng suất
Ông Nguyễn Quốc Cường, cho biết, mục tiêu đặt ra ban đầu đến nay còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự linh hoạt, quyết liệt. Ban QLKT VRG đã đưa ra những giải pháp nhằm phấn đấu tối đa để đạt mục tiêu vượt 5% trở lên. Đối với những đơn vị bị thiếu hụt lao động cạo mủ, cần linh hoạt trong công tác bố trí lao động cho từng phần cây, như: phân loại năng suất vườn cây để bố trí nhịp độ cạo phù hợp nhằm phát huy tối đa năng suất và hài hòa cường độ lao động; đa dạng mô hình thu hoạch mủ (thu mủ nước + thu mủ đông); linh động tổ chức thời gian cạo theo giống, theo điều kiện thời tiết; đa dạng hình thức lao động cạo mủ (công nhân, hộ nhận khoán, nhượng quyền khai thác).
Đối với vùng Đông Nam bộ, công tác tổ chức sản xuất và QLKT khai thác mủ khá ổn định, tiếp tục triển khai các giải pháp kỹ thuật khai thác mủ linh hoạt và phù hợp đối với diện tích vườn cây dự kiến chuyển đổi cây trồng (đang cạo mủ) để khai thác tối đa năng lực vườn cây phù hợp với thời gian còn lại. Đối với cao su kinh doanh, phân loại diện tích dưới năng suất thiết kế, nhất là vườn cây thuộc phân nhóm II, III để chủ động lộ trình áp dụng chế độ cạo linh hoạt, cạo tận thu. Ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp (công tác sản xuất giống, cơ giới hóa và thiết bị điện tử, quản lý số).
Vùng Tây Nguyên làm tốt công tác quy hoạch vỏ cạo ngay từ đầu năm theo hướng tối đa hóa năng suất theo hiện trạng vỏ cạo của vườn cây. Tổ chức rà soát và khai thác hiệu quả vườn cây khô miệng cạo. Thường xuyên đánh giá công tác tổ chức sản xuất trên vườn cây thu hoạch mủ theo quy trình để có các điều chỉnh phù hợp. Kịp thời hướng dẫn định hướng các đơn vị chủ động quản lý cơ cấu vườn cây, bảo đảm ổn định sản lượng mủ nhiều năm (Sa Thầy, Chư Mom Ray).
Vùng Duyên hải miền Trung củng cố hệ thống QLKT nông nghiệp, tổ chức sản xuất phù hợp hơn để đưa năng suất vườn cây tăng dần. Xác định 3 giải pháp cần củng cố: phòng trị được bệnh lá; bố trí đủ lao động, đủ nhát cạo; trang bị đầy đủ vật tư, đặc biệt là bộ mái che mưa để tranh thủ cạo bù thời điểm cây cho mủ cao. Triển khai QLKT khai thác mủ linh hoạt và phù hợp đối với diện tích ngưng đầu tư do đất không thích hợp.
Vùng miền núi phía Bắc duy trì, nâng cao quy trình quản lý thu hoạch mủ nhằm đảm bảo đủ vỏ cạo đến hết chu kỳ kinh doanh theo QTKT. Củng cố công tác quản lý sản xuất, đặc biệt là các công ty có quy mô lớn (Lai Châu, Lai Châu II, Điện Biên, Sơn La). Trang bị đầy đủ vật tư, đặc biệt là bộ mái che mưa để tranh thủ cạo bù thời điểm cây cho mủ cao. Từng bước có phương án xử lý bệnh phấn trắng cho địa hình đồi dốc bằng cách sử dụng Drone thử nghiệm phun phòng phấn trắng.
Các dự án tại Campuchia, Lào tiếp tục kế hoạch hướng dẫn, định hướng công tác xây dựng kế hoạch tái canh cao su nhằm chủ động sắp xếp đối tượng vườn cây theo lộ trình, áp dụng chế độ thu hoạch mủ gắn mới mục tiêu sử dụng hết tiềm năng cho mủ của vườn cây. Theo đề án tái canh chu kỳ 2, dự kiến từ năm 2026 – 2029 thì 2 khu vực sẽ thanh lý khoảng 15.000 ha, tuy nhiên hiện nay mặt cạo trên vườn cây của 2 khu vực hầu hết đang cạo trên mặt BO–1 và BO–2. Vì vậy với định hướng cưa cắt sớm để phù hợp với lộ trình tái canh thì việc áp dụng kỹ thuật cạo úp, cạo tận thu sớm nhằm tận thu tối đa sản lượng vườn cây trước khi cưa cắt cũng là giải pháp giúp gia tăng năng suất sản lượng. Thiếu lao động cạo mủ là yếu tố khó khăn nhất, kế đến là sự tích lũy kinh nghiệm tổ chức sản xuất cho vùng khai thác mới (điều hành công lao động, đánh giá, dự báo tiến độ sản lượng). Trong điều kiện lao động hạn chế cần chấp nhận nhịp độ cạo thấp là D4. Thường xuyên theo dõi và có sự điều chỉnh chế độ khai thác hợp lý đối với DVT PB 260, nhằm đảm bảo tính ổn định lâu dài về sản lượng vườn cây khi áp dụng chiến lược rút ngắn chu kỳ khai thác (17 năm).

Thảo My, nguồn: http://tapchicaosu.vn/2024/08/26/thuc-hien-nhieu-giai-phap-quan-ly-ky-thuat-nong-nghiep-khai-thac-toi-da-nang-luc-vuon-cay/, ngày 26/8/2024 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>