Cây cao su và tính “độc đáo”
Cây cao su có tên khoa học là Hevea brasiliensis thuộc họ Euphorbiaceae, có nguồn gốc từ rừng mưa nhiệt đới Amazon, Nam Mỹ. Trong tự nhiên, cây cao su sống hòa hợp với các loài cây rừng khác hình thành nên những hệ sinh thái rừng tự nhiên bền vững.
Sản phẩm chính của cây cao su là mủ và gỗ. Cao su thiên nhiên với một số đặc tính cơ lý độc đáo tốt hơn cao su nhân tạo tổng hợp từ dầu thô, đặc biệt tính chống cháy, ít phát nhiệt khi cọ xát, chống mài mòn tốt hơn, là nguyên liệu không thể thiếu để sản xuất ra nhiều sản phẩm thiết yếu trong công nghiệp và cuộc sống như săm lốp, linh kiện trong xe, găng tay, đế giày, băng tải, dây cua-roa, chỉ thun, nệm gối, bóng thể thao… Gỗ cao su được thu hoạch sau chu kỳ khai thác mủ 20 – 30 năm cũng là sản phẩm có giá trị cao, góp phần làm giảm việc khai thác rừng tự nhiên lấy gỗ để sản xuất những sản phẩm gỗ nội thất và xây dựng.
Sinh khối, khả năng cố định Carbon và tác động của cây cao su đối với môi trường
Cây cao su khi quang hợp để hình thành được một tấn gỗ, hay một tấn mủ khô, cũng như các cây xanh khác, sẽ hấp thụ CO2 và đưa vào khí quyển O2. Trong lá cao su chứa một chất hữu cơ dễ bay và có tính độc là trans-2-Hexenal là một andehyde không no có nối đôi ở vị trí cacbon số 2. Công thức hóa học của nó là C6H10O. Hàm lượng khoảng 2,156 mg trên 1 kg lá khô. Tuy nhiên, vì nó dễ bay hơi nên không tìm thấy hợp chất này trong nước và trong đất rừng cao su. Dự đoán rằng về ban đêm, trong những ngày gió yếu thì hàm lượng chất này ở lớp không khí sát mặt đất rừng sẽ cao hơn và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Trong thực tế thì Trans-2-Hexenal cũng tìm thấy trong nhiều loại rau quả và trái cây khác như chè, khế… Trong nhiều trường hợp người ta sử dụng chất này với hàm lượng thấp như một phụ gia thực phẩm để lấy hương vị 9.
Một số quan điểm đã được đưa ra trong một số báo cáo quốc tế cho rằng cây cao su góp phần làm tăng phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Nghĩa – Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam, cần phải nói rõ rằng, trong các báo cáo đó, chu kỳ phát thải carbon trên cao su đã được tính bao gồm toàn bộ quá trình chăm sóc, bón phân, sinh trưởng phát triển của cây cao su và chế biến ra các sản phẩm. Do đó, quan điểm cho rằng cây cao su góp phần làm tăng phát thải khí nhà kính là chưa chuẩn xác, dễ gây hiểu nhầm, nên nói là hoạt động sản xuất cao su và chế biến sản phẩm cao su góp phần làm tăng phát thải khí nhà kính thì hợp lý hơn 7.
Nghiên cứu về sinh khối và khả năng cố định CO2 của cây cao su, theo báo cáo Ước tính quá trình cố định CO2 từ vườn cây cao su (là quá trình chuyển đổi cacbon vô cơ CO2 thành các hợp chất hữu cơ bởi các sinh vật sống) được Viện Nghiên cứu Cao su Indonesia trình bày tại Hội nghị quốc tế về Nông nghiệp, Môi trường và Khoa học Sinh học (ICAEBS’15) lần thứ 2 năm 2015 tại Indonesia, cây cao su có thể đóng vai trò giảm thiểu hiện tượng hiệu ứng nhà kính nhờ chức năng hấp thụ CO2 trong không khí. Kết quả nghiên cứu trên giống RRIM 600 lúc 33 tuổi được trồng năm 1979 cho thấy trữ lượng gỗ của thân, cành, nhánh là 1,954 m3/cây, sinh khối đạt 1,236 tấn/cây. Từ lượng sinh khối này, ước tính lượng cacbon hấp thụ của giống RRIM 600 (có sinh trưởng ở mức trung bình) là 39,06 tấn/ha/năm 1. Với vòng đời dài trên 25 – 30 năm, rừng trồng cao su sẽ hoạt động như một nơi lưu trữ cacbon đáng kể.
Rừng cao su và động thực vật sinh sống
Tiến sĩ Ngô Quang Đê – Nguyên Trưởng phòng Khoa học, Trường Đại học Lâm nghiệp cho biết: Đối với rừng cao su (tương tự rừng bạch đàn), chim chóc không sinh sống vì không có thảm thực vật, không có thức ăn do người chăm sóc đã chặt hoặc dọn đi hết để dành chất dinh dưỡng cho cây cao su phát triển 6.
Giáo sư Vương Văn Quỳnh – Nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái rừng & Môi trường, Đại học Lâm nghiệp, Bộ NN & PTNT thông tin rõ hơn: Cũng như với các rừng trồng khác, dưới rừng cao su thường có một số ít loài động vật như câu cấu ăn lá, sùng ăn rễ, giun đất, mối, chuột, rắn… số lượng cũng ít hơn so với rừng tự nhiên. Nguyên nhân một phần do cách chăm sóc rừng, người trồng chặt, phát, dọn các cây bụi thảm tươi, dùng thuốc diệt cỏ, hóa chất kích mủ… làm cho rừng trồng cao su chủ yếu còn lại cây cao su. Do mất đi nguồn thức ăn ưa thích của nhiều loài côn trùng và động vật mà chúng phải di chuyển đến những diện tích khác để kiếm ăn và sinh sống. Tình trạng đó kéo dài hết năm này sang năm khác làm cho hệ động vật và vi sinh vật trong đất suy giảm đi. Mặt khác, quá trình chăm sóc rừng và khai thác mủ cũng làm mất đi những lùm bụi là chỗ ẩn lấp, chỗ làm tổ của nhiều loài hoặc làm động vật sợ hãi buộc phải di chuyển đến những nơi khác 9.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Nghĩa – Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam: Cây cao su cao, tán lá rậm, che bóng, nên các cây cần ánh sáng phía dưới không thể sống được. Do rừng cao su trống vì trồng theo hàng lối, sạch bụi lùm, cộng thêm người đi lại thường xuyên nên các loài thú rừng khác không dám sinh sống. Thời chiến tranh, cao su bị bỏ hoang không được chăm sóc, khai thác cũng mọc đầy bụi lùm, thú rừng như nhím, cheo, sóc, lợn rừng đã quay về sống tại diện tích này 7.
Cây cao su trong lâm nghiệp
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Luật lâm nghiệp năm 2017 quy định rừng là một hệ sinh thái, thành phần chính là một hoặc một số loài cây thân gỗ, tre, nứa... và diện tích liền vùng từ 0,3 ha trở lên, độ tàn che từ 0,1 trở lên. Về tiêu chí xác định rừng, Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định cây tiêu, cà phê không được tính tỉ lệ che phủ rừng. Còn cây cao su với lượng sinh khối hàng trăm mét khối trên mỗi ha có tác động tích cực đến bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái nói chung nên trong lâm nghiệp được xem là loài cây rừng đa mục đích, nếu trồng trên diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp mới được tính vào tỷ lệ che phủ rừng.
Trên thực tế, nhiều tỉnh thậm chí còn xem rừng cao su là diện tích được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Trong chương trình kiểm kê rừng quốc gia, diện tích cao su cũng được tính là diện tích rừng. Tuy nhiên, ở những diện tích cao su được trồng trên đất không phải quy hoạch cho lâm nghiệp, nếu hiệu quả kinh tế của cây cao su không cao, người dân có thể chuyển đổi sang trồng cây khác. Vì vậy, một số tỉnh không tính diện tích này vào diện tích rừng 8.
Bên cạnh đó, gỗ cao su cũng có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế, góp phần giảm thiểu tình trạng khai thác gỗ từ rừng tự nhiên. Theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), “Trung bình sản phẩm đồ gỗ từ gỗ cao su mang lại kim ngạch xuất khẩu 1,8 tỷ USD/năm, chiếm 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ. Sản phẩm được làm từ gỗ cao su đang là một trong những nhóm mặt hàng được người tiêu dùng trong và ngoài nước
ưa chuộng. Trước việc các thị trường nhập khẩu đồ gỗ chính của Việt Nam (EU, Mỹ) đang thực hiện chặt chẽ đạo luật truy xuất nguồn gốc nguyên liệu sản phẩm đồ gỗ, thì gỗ cao su là một lựa chọn tốt nhất để sản xuất hàng xuất khẩu” 2.
Phát triển cao su gắn liền với đảm bảo môi trường sinh thái
Việc quá chú trọng đến độc canh cây cao su mà không quan tâm đến việc bảo vệ môi trường khiến những vùng trồng cao su đất đai bị xói mòn, mất đa dạng sinh học, phá vỡ cân bằng sinh thái. Bản thân cây cao su không phải là cây có hại với môi trường mà chính do cách thức canh tác và các biện pháp kỹ thuật của con người đã làm cho cao su tổn hại đến môi trường. Những biện pháp bảo vệ môi trường với rừng trồng cao su hiện nay chủ yếu là biện pháp bảo vệ đất và đa dạng sinh học, bảo vệ lớp thảm cỏ, giữ lại lá khô để chống xói mòn, giảm bớt sử dụng hóa chất để bảo vệ các loài sinh vật đất, các loài côn trùng và thú nhỏ…
Theo chuyên gia, các tiêu chí quản lý bền vững rừng trồng cao su của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam hiện nay là rất tích cực. Tuy vậy, có thể bổ sung tiêu chí cụ thể nữa là tăng cường chống xói mòn bảo vệ đất dưới rừng trồng cao su. Cũng như các rừng trồng khác, rừng cao su trồng thuần loại, không có cây nhỏ và cây bụi thảm tươi. Vì vậy, các hạt nước mưa rơi trực tiếp hoặc đọng trên lá rồi rơi xuống mặt đất có động năng lớn gây xói mòn mạnh. Quá trình ấy làm đất bí chặt, thấm và giữ nước kém làm cho rừng mất dần khả năng lưu giữ và điều tiết nguồn nước. Cần phải bảo vệ được lớp đất tơi xốp dưới rừng trồng cao su để phát huy hiệu quả giữ nước và giữ đất nước của rừng 9.
Nuôi ong trong rừng cao su. Ảnh: Văn Vĩnh
Ngoài ra, theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Nghĩa – Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam, trước khi phát triển một dự án trồng cao su thì cần phải xem xét thêm về hiệu quả kinh tế xã hội, môi trường. Cần thiết phải duy trì một tỷ lệ diện tích rừng tự nhiên phù hợp, áp dụng những mô hình canh tác tổng hợp trên lô cao su thông qua trồng xen cây ngắn ngày, cây lâu năm, nông lâm/chăn nuôi kết hợp (ong, gia cầm, gia súc), không chỉ để tăng thu nhập cho người trồng cao su, mà còn là giải pháp giảm rủi ro về thị trường khi giá cao su biến động và ứng phó với biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến sản lượng của cây trồng. Đồng thời, góp phần tăng tính đa dạng sinh học của lô trồng cao su, tăng trữ lượng các-bon, tăng chất hữu cơ và hạn chế đất bị xói mòn. Những nơi có điều kiện thuận lợi (thổ nhưỡng, nguồn nước tưới, lao động, thị trường) thích hợp cho thâm canh cây trồng xen, trồng kết hợp, chăn nuôi có giá trị kinh tế cao, có thể giảm mật độ cao su hoặc giảm diện tích cao su để tăng diện tích trồng xen và canh tác tổng hợp 3.
Hiện nay, việc phát triển cao su đã được quy định cần theo hướng bền vững hơn, các diện tích cao su của các tổ chức cần xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và được khuyến khích đáp ứng các tiêu chí để được cấp chứng chỉ về quản lý và sản xuất bền vững, được kiểm tra định kỳ theo bộ tiêu chí của quốc tế: FSC (Hội đồng quản lý rừng thế giới) hoặc PEFC (Chương trình Công nhận chứng chỉ rừng) hoặc Hệ thống Chứng chỉ rừng Việt Nam (VFCS). Các nhà trồng cao su tại Việt Nam hiện đang tuân thủ thực hiện công tác này. Cụ thể, tại Việt Nam, tài liệu “Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cao su bền vững” được biên soạn trong khuôn khổ của chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II, thông qua Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và phát hành năm 2019. Tài liệu được đăng tải tại trang web Hiệp hội Cao su Việt Nam hoặc mua Tài liệu in ấn tại Văn phòng Hiệp hội 7.
Cần nghiên cứu đánh giá quy hoạch lại diện tích trồng cao su
Theo báo cáo của Tổ chức giám sát phát triển châu Âu (FERN) công bố tháng 10/2018, diện tích trồng cao su của thế giới trong giai đoạn 2000 – 2016 đã tăng gấp đôi. Báo cáo của FERN cho biết diện tích cao su mở rộng phần lớn thuộc khu vực Đông Nam Á, từ năm 2000 đến nay đã có khoảng 3 triệu ha rừng bị chuyển đổi thành cao su 3.
Theo số liệu của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), đến cuối 2019, tổng diện tích cao su toàn thế giới khoảng 14,5 triệu ha, trong đó các nước châu Á là 12,7 triệu ha. Sự mở rộng diện tích cao su ồ ạt trong những năm qua gắn với cơn sốt về giá mủ cao su trên thị trường thế giới. Song, sự phát triển nóng vội và mang tính tự phát ở nhiều nơi cũng gắn với các cáo buộc về phá rừng và bất ổn xã hội 3.
Năm 2019, Thái Lan đã tổ chức một hội nghị đối tác đa bên bàn về hướng hợp tác phát triển bền vững cao su thiên nhiên, đặc biệt đối với cao su tiểu điền hiện chiếm khoảng 85% tổng nguồn cung thế giới. Tại một số quốc gia, điển hình như Thái Lan, tỷ lệ cao su tiểu điền lên đến 95%. Các nhà sản xuất cao su thiên nhiên băn khoăn làm thế nào để duy trì được diện tích trồng để đảm bảo nguồn cung ứng, trong khi đó các nhà hoạt động về môi trường và xã hội đặt ra mối lo ngại về việc đảm bảo quyền lợi, chia sẻ lợi ích – rủi ro một cách công bằng và sinh kế bền vững cho các hộ cao su tiểu điền, vốn dễ bị tổn thương trước những biến động thị trường.
Tại hội nghị các bên liên quan cho thấy những tín hiệu lạc quan về tương lai bền vững hơn của cao su thiên nhiên khi ngày càng xuất hiện nhiều doanh nghiệp áp dụng chứng chỉ bền vững cho sản phẩm cao su, chủ động kết nối với người dân để nâng cao giá trị sản phẩm. Tại một số nơi, người dân đã chủ động thử nghiệm và bước đầu thành công với mô hình vườn rừng cao su, đầu tư đa dạng để giảm thiểu rủi ro, đồng thời tái tạo lại đất trồng và khôi phục sự đa dạng sinh học – một trong những điểm yếu của các vườn cao su độc canh. Những sáng kiến này sẽ tiếp tục được nghiêu cứu để mở rộng trong khu vực Đông Nam Á trong những năm tới 3.
Các đại biểu tham quan một mô hình vườn rừng cao su của hộ gia đình tại tỉnh Songkhla, Thái Lan
Việt Nam cũng nằm trong tốp 5 quốc gia có diện tích trồng và sản lượng cao su cao nhất thế giới, trong đó cao su tiểu điền chiếm khoảng 50%. Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu hợp tác giữa tổ chức Forest Trends, Hiệp hội Cao su Việt Nam và Hiệp Hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam công bố tháng 9/2018, cả nước có hơn 264.000 hộ dân trồng cao su, tập trung ở các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung 3.
Giáo sư Hoàng Hòe – Nguyên Viện trưởng Viện Điều tra Quy hoạch rừng cho biết, cần sớm có phương án quy hoạch để việc trồng rừng đạt hiệu quả, đảm bảo phát triển rừng bền vững. Bên cạnh đó, các địa phương cần có quy hoạch tổng thể sử dụng đất đai cho từng vùng, từng tỉnh, đồng thời điều chỉnh lại diện tích trồng cao su, cà phê, dành ra quỹ đất để phát triển các cây trồng khác 3. Với khí hậu và đất đai tại Việt Nam, ông cho rằng nên giảm bớt diện tích rừng thuần loại, thay vào đó có thể chia khu, trồng kèm một số loài cây nhập nội khác. Ngoài ra, nên kết hợp trồng lại một số cây rừng bản địa của các vùng như lim, táu, sến, dầu, sao, giổi... Cụ thể, nên chia nhỏ thành từng lô để trồng xen kẽ, nông – lâm kết hợp, đảm bảo môi trường điều hòa, hướng tới phát triển rừng bền vững hơn, phát huy tối đa vai trò bảo vệ môi trường trong tình trạng biến đổi khí hậu như ngày nay 5. Để làm được điều này, đã đến lúc cần sự phối hợp giữa các ngành để có quy hoạch và sử dụng đất tốt hơn. Các nhà khoa học ở cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và môi trường cần phối hợp nghiên cứu, đưa ra phương án điều chỉnh phù hợp trong quy hoạch tổng thể, nhằm tái tạo môi trường rừng bền vững, đi đôi với phát triển kinh tế – xã hội.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu về quy hoạch diện tích trồng cao su 10.
Nguồn:
1. Juliantika Kusdiana và Alchemi Putri, nguồn: https://www.researchgate.net/publication/319665334_Estimation_CO2_Fixation_by_rubber_plantation, 16/8/2015;
2. Thanh Thanh, nguồn: https://thoibaonganhang.vn/tang-san-xuat-do-go-cao-su-98146.html, ngày 20/02/2020;
3. Nguyễn Thương, nguồn: https://baovemoitruong.org.vn/tim-giai-phap-cho-cao-su-thien-nhien-benvung/, ngày 30/9/2020;
4. Thanh Ngọc, nguồn: https://viettimes.vn/nghiencuu-tu-indonesia-cay-cao-su-giup-tang-o2-va-giamco2-post140128.html, ngày 08/11/2020;
5. Khánh Linh, nguồn: https://viettimes.vn/gs-hoang-hoe-can-nghiem-tuc-danh-gia-de-quy-hoach-laidien-tich-cao-su-tai-viet-nam-post140153.html, ngày 10/11/2020;
6. Hà Bình, nguồn: https://khoahocdoisong.vn/hesinh-thai-rung-cao-su-rat-ngheo-157411.html, ngày 12/11/2020;
7. Hòa Bình, nguồn: https://viettimes.vn/xin-dungxem-cay-cao-su-nhu-ke-toi-do-post140279.html, ngày 13/11/2020;
8. Chí Tuệ, nguồn: https://tuoitre.vn/caycao-su-duoc-tinh-vao-ti-le-che-phu-rungkhong-20201116155612581.htm, ngày 16/11/2020;
9. Trần Huỳnh, nguồn http://tapchicaosu.vn/2020/11/16/cay-cao-su-khong-phai-la-cay-cohai-voi-moi-truong/, ngày 16/11/2020;
10. Minh Hiển, nguồn: http://baochinhphu.vn/Chidao-quyet-dinh-cua-Chinh-phu-Thu-tuong-Chinhphu/Nghien-cuu-phan-anh-ve-quy-hoach-dien-tichtrong-cao-su/414460.vgp, ngày 18/11/2020.
Văn phòng HHCSVN tổng hợp