Tin tức >> Kinh tế thế giới có liên quan

Áp lực lạm phát tại Hoa Kỳ giảm

30/09/2024

Báo cáo mới về chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo quan trọng về lạm phát tại Hoa Kỳ, vừa được công bố. Theo đó, lạm phát tại Hoa Kỳ tiếp tục giảm mạnh trong tháng 8.
 


Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ ở Washington, DC.
Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, trong tháng 8, chỉ số PCE chỉ tăng 0,1%, mức tăng thấp nhất trong nhiều tháng qua. Tính theo năm, tỷ lệ lạm phát đã giảm xuống 2,2%, từ mức 2,5% của tháng 7, đưa nó gần hơn với mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED). Một điểm đáng chú ý trong báo cáo này là giá của các mặt hàng thiết yếu như xăng, ô tô và hàng điện tử đã giảm, góp phần giảm áp lực chi tiêu cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, giá dịch vụ, đặc biệt là giá nhà ở và chăm sóc sức khỏe lại tăng 0,2%, cho thấy vẫn còn áp lực của lạm phát trong một số lĩnh vực của nền kinh tế.
Thị trường lao động Hoa Kỳ tiếp tục gặp khó khăn với tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,2%, từ mức thấp 3,4% trước đó. Mặc dù vậy, thu nhập cá nhân vẫn tăng nhẹ, giúp duy trì sức mua, bất chấp áp lực từ lạm phát và lãi suất cao. Chỉ số PCE tháng 8 đã củng cố thêm niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế Hoa Kỳ. Dự báo cho thấy, Fed có thể tiến hành thêm ít nhất hai đợt cắt giảm lãi suất từ nay đến cuối năm nhằm hỗ trợ thị trường lao động và duy trì tăng trưởng.
Trong một bài phát biểu ngày 26/9, Thống đốc Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ, bà Lisa Cook, đã bày tỏ sự ủng hộ quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm của Fed vào tuần trước. Theo bà, quyết định này phản ánh sự tự tin ngày càng tăng rằng với việc điều chỉnh chính sách thích hợp, Fed có thể duy trì thị trường lao động ổn định, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế vừa phải và lạm phát tiếp tục hướng đến mục tiêu đề ra.
Về lộ trình chính sách trong thời gian tới, bà Cook cho biết sẽ xem xét cẩn thận các dữ liệu sắp tới, triển vọng và cân nhắc các rủi ro. Bà lưu ý khi cán cân cung và cầu trên thị trường lao động cân bằng hơn, một số cá nhân có thể sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. Bà nhấn mạnh những lao động có trình độ học vấn thấp hơn và các nhóm thiểu số thường dễ tổn thương khi các điều kiện kinh tế yếu đi.
Bà Cook nhận định sự cân bằng giữa cung và cầu trên thị trường lao động, cùng với tiến bộ trong quá trình đưa lạm phát về mức mục tiêu, phản ánh sự bình thường hóa của nền kinh tế sau những bất ổn do đại dịch gây ra. Theo bà, đây là điểm tích cực, vì sự cân bằng giữa cung và cầu là yếu tố cần thiết để duy trì sức mạnh của thị trường lao động trong một thời gian dài.

Công Tùng, nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/ap-luc-lam-phat-tai-my-giam-2024092808420628.htm, ngày 28/9/2024 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>