Tin tức >> Kinh tế thế giới có liên quan

Đường chinh phục thị trường Âu – Mỹ của xe hơi Trung Quốc

28/08/2023

Với “át chủ bài” xe điện, Trung Quốc giành ngôi vương xuất khẩu ô tô của Nhật Bản nhưng đối diện các hàng rào bảo hộ của châu Âu, Mỹ. 


Sáu tháng đầu năm 2023, xuất khẩu ô tô của Trung Quốc tăng 75,7% so với cùng kỳ 2022, lên 2,14 triệu xe. Kết quả giúp nước này lần đầu tiên vượt qua Nhật Bản để trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới, theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM). Các lô hàng xe năng lượng mới (NEV) trong nửa đầu năm – bao gồm các mẫu xe chạy điện và xe hybrid – đã tăng hơn gấp đôi, lên 534.000 chiếc, chiếm gần 25% tổng lượng ô tô xuất khẩu. Riêng tháng trước, theo dữ liệu do Hiệp hội Xe khách Trung Quốc (CPCA), nước này xuất khẩu được 310.000 xe, tăng 63% so với cùng kỳ 2022, nâng tổng số lên 2,65 triệu chiếc trong 7 tháng đầu năm. Các thương hiệu địa phương chiếm 248.000 chiếc, tương đương 80% lượng xuất khẩu trong tháng qua. Gao Shen, nhà phân tích độc lập ở Thượng Hải, cho biết ngày càng nhiều công ty ô tô Trung Quốc tìm cách tăng doanh số bán hàng ở thị trường nước ngoài.
Trung Quốc là thị trường ô tô nói chung và xe điện lớn nhất thế giới, nơi có khoảng 200 nhà lắp ráp xe điện đang cạnh tranh với nhau để phát triển những chiếc xe hơi xanh và thông minh. Những con số màu hồng này đã thúc đẩy niềm tin rằng Trung Quốc sẽ giành vị trí dẫn đầu thế giới trong cả năm về xuất khẩu ô tô. Một số nhà phân tích dự đoán DN nước này sẽ xuất khẩu hơn 4 triệu xe vào năm 2023, với sự đóng góp của NEV tăng từ 21,8% của năm 2022, lên khoảng 35%. Trong một báo cáo hồi tháng 5, các nhà phân tích từ Allianz Research (Đức) đã mô tả việc Trung Quốc dẫn đầu cuộc đua xe điện toàn cầu, với lợi thế cạnh tranh ở hầu hết khía cạnh của chuỗi giá trị ngành. Điều này là nhờ họ đã đầu tư lớn vào hệ sinh thái xe điện từ hơn một thập kỷ trước. Vào cuối những năm 2000, chính phủ Trung Quốc bắt đầu đưa ra các ưu đãi về mua hàng và thuế để hỗ trợ sự phát triển của ngành ô tô điện nội địa. Họ sớm dự đoán phân khúc này sẽ là đấu trường cạnh tranh toàn cầu trong tương lai.
Vốn từng thành danh ở các thị trường mới nổi như châu Á, Trung Đông và Nam Mỹ nhưng nay châu Âu mới đang là thị trường nước ngoài lớn nhất của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc. Ba trong số những chiếc xe điện bán chạy nhất châu Âu vào năm 2022 là hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Báo cáo của Allianz Research cũng dự đoán rằng ô tô sản xuất tại châu Âu có khả năng sẽ bị thay thế bởi xe sản xuất tại Trung Quốc, bất kể chúng là thương hiệu Trung Quốc, Hoa Kỳ hay châu Âu, vì EU đã thông qua luật cấm bán ô tô mới dùng nhiên liệu hóa thạch từ năm 2035. Sự hiện diện ngày càng tăng của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc ở châu Âu được thể hiện rõ ở Đức, thị trường ô tô lớn nhất khu vực. Tính đến quý I năm 2023, đã có sáu nhà sản xuất ô tô Trung Quốc bán xe điện ở Đức, so với chỉ 2 vào cùng kỳ 2022. Doanh số bán hàng của các công ty chiếm 3,7% tổng doanh số bán xe điện Đức giai đoạn này, tăng từ mức 1,2% của quý I năm 2022. Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang phải đối mặt với những rào cản do những thay đổi về chính sách và ảnh hưởng địa chính trị.
Ví dụ, Pháp đã công bố kế hoạch trợ cấp mua xe điện được sản xuất ở châu Âu và đạt tiêu chuẩn các–bon thấp của EU. Các nhà phân tích cho rằng động thái này sẽ giúp ngành công nghiệp ô tô trong khu vực chống lại mối đe dọa từ hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc. Trước khi chính sách mới hiệu lực, đầu năm đến nay, 40% của gói ưu đãi xe điện hàng năm trị giá 1,2 tỷ Euro của Pháp đã thuộc về xe điện được sản xuất ở châu Á, theo Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire. “Chúng tôi sẽ không sử dụng tiền của người nộp thuế ở Pháp để thúc đẩy các ngành công nghiệp ngoài châu Âu”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói. Một giải pháp khả thi có lợi cho các nước châu Âu và Trung Quốc là cho phép Trung Quốc đầu tư vào lắp ráp ô tô châu Âu, tương tự cách Hoa Kỳ mở cửa cho các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản vào những năm 1980. Một số nhà sản xuất Trung Quốc đã theo đuổi con đường này. Vào tháng 7, SAIC Motor công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy xe điện ở châu Âu, nơi doanh số bán hàng của họ đạt 100.000 chiếc vào năm 2022. Công ty vẫn giữ ngôi vị nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất Trung Quốc trong nửa đầu năm nay, bán được 483.000 ô tô cho khách ngoại.
 Đường tiếp cận châu Âu còn gập ghềnh nhưng việc thâm nhập thị trường Hoa Kỳ có lẽ mới thách thức lớn nhất với các hãng ô tô Trung Quốc. Chính quyền Biden vào tháng 8/2022 ban hành Đạo luật Giảm lạm phát, trong đó gồm một điều khoản cho phép người mua ô tô được hưởng ưu đãi thuế lên tới 7.500 USD với xe được lắp ráp ở Bắc Hoa Kỳ. Đồng thời, đạo luật cũng cấm một số thực thể nước ngoài, tức có thể bao gồm cả các nhà sản xuất Trung Quốc, theo Caixin. Ngoài ra, Hoa Kỳ quy định rằng một tỷ lệ nhất định các khoáng chất và thành phần pin quan trọng được sử dụng trong xe điện bán ở Hoa Kỳ phải được sản xuất trong nước. Tỷ lệ này dự kiến tăng lên hàng năm. Hai điều khoản này là một đòn giáng khác khi các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc cố gắng mở rộng sang thị trường ô tô lớn thứ hai thế giới trong khi bị sa lầy bởi mối quan hệ thương mại căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington. Hoa Kỳ đã áp dụng mức thuế nhập khẩu 27,5% với xe hơi do Trung Quốc sản xuất từ thời chính quyền Donald Trump.
Xe chuẩn bị xuất khẩu tại cảng Thái Thương,
Tô Châu, tỉnh Giang Tô ngày 24/5. Ảnh: VCG
Ngoài các rào cản pháp lý, nhiều nhà sản xuất ô tô Trung Quốc vẫn còn thiếu kinh nghiệm trong việc phát triển sản phẩm cho người tiêu dùng nước ngoài và kinh doanh ở thị trường nước ngoài, theo chuyên gia trong ngành. Một sai lầm nhỏ có thể bào mòn lợi nhuận hoặc thậm chí khiến lô hàng bị lỗ. Ví dụ lô hàng của một nhà sản xuất ô tô được giấu tên đã bị cơ quan hải quan của một quốc gia châu Âu từ chối vì pin của họ không đáp ứng các tiêu chuẩn địa phương, sau khi xe đã cập cảng.
Ông Wang Hua, Phó hiệu trưởng Trường Kinh doanh Emlyon (Pháp), cho biết một lựa chọn để các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có thể giảm thiểu rủi ro khi mở rộng ra nước ngoài là mua lại các thương hiệu phương Tây. Đó là cách mà SAIC đã làm, với việc mua lại thương hiệu MG Motor của Anh. Ông Yu De, Giám đốc kinh doanh quốc tế của SAIC, cho biết thương hiệu MG chiếm gần 70% doanh số bán hàng ở nước ngoài của SAIC trong nửa đầu năm 2023. Công ty dự kiến doanh số bán mẫu MG4 EV sẽ đạt 100.000 chiếc tại châu Âu trong năm nay. Tương tự, gã khổng lồ ô tô tư nhân tỉnh Chiết Giang là Geely đã mua Volvo Cars từ Ford vào năm 2010. Thương vụ giúp nâng cao hình ảnh toàn cầu của Geely và cho phép hãng tiếp cận công nghệ tiên tiến của công ty Thụy Điển.
Công ty tư vấn AlixPartners (Hoa Kỳ) dự báo xe điện sẽ chiếm 39% doanh số bán xe mới ở Trung Quốc vào năm 2027. Con số này sẽ cao hơn mức thâm nhập toàn cầu dự kiến của xe điện là 23%. Đến 2030, các thương hiệu Trung Quốc như BYD sẽ chiếm 65% lượng xe điện bán ra nội địa. Đơn vị này cho rằng với sức mạnh chuỗi cung ứng pin – yếu tố quyết định hiệu suất và giá cả của xe điện – khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc vẫn tiếp tục cải thiện. “Sau năm 2025, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có thể sẽ chiếm thị phần đáng kể tại các thị trường xuất khẩu lớn của Nhật Bản, bao gồm cả Hoa Kỳ”, ông Tomoyuki Suzuki, CEO AlixPartners văn phòng Tokyo, dự báo.

Phiên An, nguồn: https://vnexpress.net/duong-chinh-phuc-thi-truong-au-my-cua-xe-hoi-trung-quoc-4645432.html, ngày 25/8/2023 (HG trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>