Dữ liệu vừa được công bố của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy, doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đã tăng tốc trong tháng 8 với mức tăng trưởng tốt hơn dự kiến. Theo đó, doanh số bán lẻ tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 8, vượt dự báo 3% trong một nghiên cứu của Reuters. Con số này cũng nhanh hơn mức tăng 2,5% so với cùng kỳ vào tháng Bảy. Sản xuất công nghiệp tăng 4,5% trong tháng 8, tốt hơn mức dự báo 3,9% và nhanh hơn mức tăng 3,7% được báo cáo trong tháng 7. Đầu tư tài sản cố định trong tháng 8 tăng 3,2% so với cùng kỳ. Con số này thấp hơn mức dự báo 3,3% và chậm hơn tốc độ tăng 3,4% trong tháng 7. Theo các chuyên gia, con số này bị kéo xuống do đầu tư bất động sản giảm mạnh và đầu tư cơ sở hạ tầng chậm lại. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị ở các thành phố ít thay đổi, ở mức 5,2%.
Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau đại dịch đã chậm lại kể từ quý II, kéo theo sự sụt giảm của thị trường bất động sản. Xuất khẩu, một động lực quan trọng khác của nền kinh tế Trung Quốc, cũng suy giảm khi nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa Trung Quốc yếu đi. “Nền kinh tế cho thấy đà phục hồi tốt với sự phát triển chất lượng cao tạo nên tiến bộ vững chắc và các yếu tố tích cực được tích lũy. Tuy nhiên, chúng ta nên lưu ý rằng, nhiều yếu tố bất ổn, bất ổn ở môi trường bên ngoài vẫn tồn tại”, Cục Thống kê quốc gia cho hay.
Theo tính toán của CNBC qua dữ liệu truy cập qua Wind, trong doanh số bán lẻ, doanh số bán hàng trực tuyến đã tăng 7,6% trong tháng 8. Thị trường ô tô chứng kiến doanh số tăng 1,1%. Trong các hạng mục có mức tăng trưởng doanh số nhanh có mỹ phẩm, tăng 9,7% và thiết bị liên lạc, tăng 8,5%. Doanh số của ngành dịch vụ ăn uống tăng 12,4% trong cùng kỳ. Hôm qua, Moody's dự báo, doanh số của thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ giảm khoảng 5% trong vòng 6 đến 12 tháng tới.
Cedric Lai, Phó Chủ tịch kiêm nhà phân tích cấp cao của Moody's, đánh giá, mặc dù Chính phủ Trung Quốc gần đây đã tăng cường hỗ trợ chính sách cho lĩnh vực bất động sản, nhưng thị trường vẫn còn nhiều khó khăn và sự phục hồi có “sự khác biệt giữa các thành phố”. Sự không chắc chắn về thu nhập trong tương lai đã khiến chi tiêu của người tiêu dùng bị thắt chặt. Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 8 tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước, đảo ngược mức giảm trong tháng 7. CPI cơ bản, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, tăng với tốc độ 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái trong cả hai tháng.
Thùy An, nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/kinh-te-trung-quoc-bat-ngo-don-tin-vui-20230915103024401.htm, ngày 15/9/2023 (TN trích dẫn)