Tin tức

Năm 2023: Áp lực lạm phát không quá lớn nhưng không chủ quan

09/01/2023

Các chuyên gia cho rằng áp lực lạm phát tại Việt Nam trong năm 2023 sẽ không quá lớn nhưng không nên chủ quan.
 


Ngày 04/01/2023, Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2022 và dự báo năm 2023. Phát biểu tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng áp lực lạm phát tại Việt Nam trong năm 2023 sẽ không quá lớn nhưng không nên chủ quan. Đặc biệt, cần có các cách thức mới hiệu quả hơn trong quản lý các mặt hàng quan trọng như xăng dầu, đồng thời cần tính toán kỹ lộ trình tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý.
Phân tích về xu hướng thời gian tới, Tiến sỹ (TS) Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính cho rằng: Các áp lực đối với lạm phát từ các biến số như tiền tệ, tỉ giá hay giá nhiên, nguyên vật liệu nhiều khả năng đã đạt đỉnh trong năm 2022 và sẽ giảm trong năm 2023. Trên thực tế, lạm phát đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong tháng 12/2022, khi lạm phát cơ bản chỉ tăng 0,33% so với tháng trước. Tuy nhiên, áp lực tăng giá điện, giá một số dịch vụ do Nhà nước kiểm soát trong năm 2023 sẽ lớn hơn so với năm 2022, nhưng tác động cụ thể còn phụ thuộc vào thời điểm và mức độ điều chỉnh giá của cơ quan quản lý. Vị chuyên gia này cho rằng, nếu việc điều chỉnh giá được thực hiện trong nửa cuối năm 2023 với mức điều chỉnh không quá lớn, mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5% hoặc thấp hơn vẫn khả thi.
Nhấn mạnh về những hạn chế cần khắc phục, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đánh giá, năm 2022, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới biến động mạnh, việc điều hành xăng dầu còn lúng túng ở một số thời điểm, chưa vận hành trôi chảy theo thị trường. Về khung pháp lý, ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh, năm 2023, các bộ, ngành cần khẩn trương tham gia sửa đổi Nghị định 95/2021 về quản lý xăng dầu một cách có chất lượng, cần theo hướng tập trung đầu mối để tiện lợi trong việc điều chỉnh giá bán.
Lạc quan về triển vọng kiểm soát lạm phát, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định, năm 2023 có những thuận lợi trên đà phục hồi kinh tế 2022 tạo nền tảng, nguồn lực cho điều hành chính sách năm tới, góp phần hiện thực hóa kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Lạm phát được kiểm soát tốt sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho chính sách tiền tệ; thâm hụt ngân sách ở mức thấp và thu ngân sách đạt kế hoạch tạo dư địa mở rộng phù hợp chính sách tài khóa.
Bên cạnh những thuận lợi, các chuyên gia cho rằng, vẫn còn nhiều yếu tố gây áp lực lên lạm phát như giá cả thế giới vẫn còn biến động khó lường, logistics vẫn tiếp tục khó khăn, áp lực lạm phát trên phạm vi toàn cầu khiến các nền kinh tế tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, tác động đến việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam và gây sức ép lạm phát trong nước. Các chuyên gia cũng lưu ý, một số chính sách giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2022, giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý có thể được điều chỉnh tăng giá trong năm 2023 theo lộ trình sau khi đã giảm hoặc giữ ổn định trong năm 20212 như: Giá điện, nước, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Minh Tiến cho biết, sẽ thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, bảo đảm tính chủ động, hiệu quả, phối hợp với điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu để ra, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. “Đối với các mặt hàng nhà nước định giá, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường như dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ giáo dục, điện, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động trong việc tính toán, chuẩn bị các phương án giá để triển khai điều chỉnh vào thời điểm phù hợp với quy định và bối cảnh chung”, ông Nguyễn Minh Tiến cho biết.

Anh Minh, nguồn: https://baochinhphu.vn/nam-2023-ap-luc-lam-phat-khong-lon-nhung-khong-chu-quan-102230104163926825.htm, ngày 04/01/2023 (HG trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>