Tin tức >> Tin cao su trong nước

Cổ phiếu cao su gặp khó vì giá

10/08/2016

 Trái với dự báo về sự phục hồi của giá cao su trong năm 2016, những tháng đầu năm giá cao su vẫn duy trì ở mức thấp khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp cao su niêm yết bị ảnh hưởng đáng kể.


 Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2016 xuất khẩu cao su thiên nhiên cả nước ước đạt 444.200 tấn, với giá trị khoảng 551,4 triệu USD, đơn giá xuất khẩu bình quân 1.241 USD/tấn. Trong nửa đầu năm 2016, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 244.053 tấn, chiếm 54,9% tổng lượng xuất khẩu (tăng 20,5%). Tiếp đến là thị trường Malaysia 36.595 tấn (chiếm 8,2%) và Ấn Độ đạt 34.947 tấn (chiếm 7,9%). So với cùng kỳ năm 2015, xuất khẩu cao su thiên nhiên 6 tháng đầu năm tăng 7,3% về lượng nhưng lại giảm 8,7% về giá trị do giá giảm 14,8%.

Theo dự báo của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên thế giới (ANRPC), sản lượng cao su cả năm 2016 sẽ tăng khoảng 1%, trong khi nhu cầu tiêu thụ cao su ảm đạm do tình hình kinh tế bất ổn và nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc, nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới sụt giảm. Bên cạnh đó, giá cao su còn bị tác động bởi chính sách áp thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng lốp xe của Hoa Kỳ. Đặc biệt, việc giá dầu giảm cũng là nguyên nhân khiến giá cao su nhân tạo tiếp tục duy trì ở mức thấp (giảm 12,6% so với cùng kỳ) gây áp lực lên giá cao su thiên nhiên.
Việc giá cao su thế giới giảm đã có tác động đáng kể đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cao su đang niêm yết. Chẳng hạn, theo BCTC quý II/2016 của Công ty CP Cao su Đồng Phú (DPR), sản lượng và giá bán đều giảm khiến lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2016 của doanh nghiệp giảm đến 42,4% (đạt 55,4 tỷ đồng). Cụ thể, doanh thu thuần giảm 19,8% so với cùng kỳ, còn 213,2 tỷ đồng. Ngoài ra, sản lượng tiêu thụ giảm 13,6% so với cùng kỳ còn 4.747 tấn, biên lợi nhuận gộp giảm xuống còn 33,9% từ mức 40,3%. 
Tương tự, doanh thu thuần của Công ty CP Cao su Phước Hòa (PHR) giảm 6,7% so với cùng kỳ (đạt 317,4 tỷ đồng). Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế của PHR vẫn tăng khoảng 2,3% so với cùng kỳ (đạt 60,7 tỷ đồng). Chủ yếu do biên lãi gộp mảng gỗ (chiếm khoảng 22% doanh thu) tăng đến 38,5% từ mức 13,4% cùng kỳ và lợi nhuận khác tăng 38% so với cùng kỳ (đạt 32,6 tỷ đồng).
Trong khi đó, hoạt động thanh lý cây cao su đã góp phần giúp Công ty CP Cao su Tây Ninh (TRC) duy trì được mức tăng trưởng lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu 6 tháng đầu năm của TRC đạt 123 tỷ đồng (giảm 18,9%), biên lợi nhuận giảm từ 9,8% xuống còn 8,3%. Mặc dù vậy, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của TRC vẫn tăng 8,1% (đạt 20,3 tỷ đồng). Ngoài việc thanh lý vườn cao su, kết quả của TRC chủ yếu do chi phí hoạt động được kiểm soát tốt, tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu thuần giảm từ 15,3% xuống còn 11%.
Dù gặp bất lợi do giá cao su sụt giảm nhưng các doanh nghiệp cao su vẫn thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư nhờ chính sách trả cổ tức tương đối cao. Chẳng hạn, DPR tiếp tục duy trì chính sách cổ tức bằng tiền mặt khá cao với tỷ lệ 30% (tương ứng lợi tức 8,6%). Việc DPR duy trì mức chi trả cổ tức cao (dự kiến chi 129 tỷ đồng cho cổ tức 2016) nhờ doanh nghiệp này đang giữ lượng tiền và tương đương tiền khá lớn (đạt 575 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 524 tỷ đồng. Trong khi đó, PHR đặt kế hoạch cổ tức 2016 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% mệnh giá (tương ứng lợi tức cổ tức là 5,2%). PHR dự kiến chi 81,3 tỷ đồng cho cổ tức 2016. Tương tự DPR, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến thời điểm cuối quý II của PHR lên đến 361 tỷ đồng và lượng tiền mặt đạt 285 tỷ đồng chính là yếu tố giúp cho PHR mạnh tay chi trả cổ tức cho cổ đông.
Kim Giang, nguồn: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20160806/cp-cao-su-gap-kho-vi-gia.aspx, ngày 08/8/2016 (TD trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>