Tin tức >> Tin cao su trong nước

Hiệp hội Cao su đề xuất một loạt khó khăn cần tháo gỡ

15/05/2023

 Trong bối cảnh xuất khẩu cao su và sản phẩm từ cao su giảm khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, để giúp các doanh nghiệp ngành cao su vượt qua khó khăn thách thức, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã nêu một loạt các kiến nghị và giải pháp tháo gỡ cho ngành hàng.


 Ảnh minh họa

Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho biết, năm 2022, ngành cao su xuất khẩu trên 10 tỷ USD, trong đó, sản phẩm từ cao su trên 4 tỷ USD, mủ cao su chưa chế biến trên 3 tỷ USD và gỗ cao su gần 3 tỷ USD. Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm nay giá trị xuất khẩu các mặt hàng này ghi nhận xu hướng giảm, khiến các doanh nghiệp hết sức khó khăn. Vì vậy, ngành cao su kiến nghị một số nội dung đến các bộ, ngành liên quan:
Thứ nhất, hiện nay ngành cao su không có cơ quan quản lý riêng, nhưng nói hoàn toàn không có cơ quan quản lý cũng không đúng vì Cục Trồng trọt quản lý về giống và cây trồng; Bộ Công Thương quản lý về xuất khẩu. “Vậy ai là người quản lý chất lượng cao su và thương hiệu cao su Việt Nam, vì nếu không có sự nhất quán sẽ làm cho ngành cao su gặp khó khăn, bởi đây là vấn đề sống còn lâu dài của ngành hàng. Trong khi Việt Nam chưa có cơ quan quản lý cụ thể thì các nước xuất khẩu cao su khác, như Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan … đều có Tổng cục Cao su quản lý”, ông Thuận đặt vấn đề.
Thứ hai, vấn đề hoàn thuế vô cùng phức tạp và tại VRA có rất nhiều doanh nghiệp gần như bó tay, vì kéo dài quá lâu mà doanh nghiệp thì không biết phải làm thế nào để được hoàn thuế? “Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp cao su hiện nay là vấn đề hoàn thuế, và công bằng mà nói thì hoàn thuế chính là hoàn vốn cho doanh nghiệp, trong hoàn cảnh khó khăn họ rất cần ngành thuế đẩy nhanh tiến độ”, Chủ tịch VRA nhấn mạnh.
Thứ ba, theo quy định kỹ thuật do Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn ban hành năm 2020, cao su có hai loại sản phẩm là mủ cao su và gỗ cao su. Tuy nhiên mủ cao su được công nhận là sản phẩm chính của doanh nghiệp nên được tính thuế và được ưu đãi thuế, riêng gỗ cao su gọi là thu nhập bất thường. “Như vậy là không hợp lý vì có lúc cây cao su trồng để lấy gỗ nhưng cũng có khi trồng để lấy mủ, nhưng một cây được coi là thu nhập chính, một cây là thu nhập bất thường, và VRA đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị xem mủ cao su và gỗ cao su hai sản phẩm chính của ngành”, ông Thuận cho biết.
Thứ tư, đối với chính sách đất đai, Chính phủ đã thống nhất cây cao su trong thời kỳ kiến thiết cơ bản được miễn tiền thuê đất, nhưng từ năm 2020 tới nay chính sách này không còn nữa và doanh nghiệp phải đóng tiền thuê đất. Tuy nhiên, đóng tiền thuê đất rất phức tạp vì những địa phương như Đông Nam Bộ giá đất ở, giá đất khu công nghiệp và cụm công nghiệp tăng rất nhanh trong khi đó địa phương không có giá riêng cho đất cao su nên doanh nghiệp phải đóng thuế với mức giá đất trên.
Thứ năm, cao su thiên nhiên nhập vào Việt Nam có thuế suất bằng 0%, nên một lượng lớn cao su nhập vào nội địa và doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, trong khi Việt Nam là nước xuất khẩu cao su. Đây là nghịch lý của ngành hàng và chính phủ cần có giải pháp về thuế hoặc hàng rào kỹ thuật với cao su, sản phẩm cao su nhập khẩu như vỏ xe, găng tay... nếu không sản xuất trong nước sẽ khó cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.
Trả lời về các kiến nghị của VRA cho phép thanh lý vườn cây cao su để được hưởng ưu đãi theo chính sách miễn, giảm thuế thu nhập từ trồng trọt, bà Mạnh Thị Tuyết Mai, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách – Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, nội dung này Tổng cục Thuế đã có công văn gửi hiệp hội, và đã đưa các kiến nghị của hiệp hội vào văn bản để sửa đổi trong thời gian sớm nhất có thể. “Riêng với chính sách hoàn thuế VAT, Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc họp với các hiệp hội, Bộ Tài chính cũng đã tham dự và tiếp thu ghi nhận, dự kiến Tổng cục Thuế sẽ họp với các Ủy ban của Quốc hội rà soát các quy trình quản lý chính sách thuế liên quan đến hàng giá trị gia tăng, đảm bảo hướng dẫn tháo gỡ cho doanh nghiệp một cách nhanh nhất, kịp thời nhất nhưng phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật”, bà Tuyết Mai khẳng định.
Bộ Trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, về nguyên tắc, Bộ ủng hộ làm thế nào để doanh nghiệp có đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, nhưng Việt Nam đã tham gia 16 FTA và cam kết mở cửa thì tất cả các bên phải thực hiện. Song, các nước tiên tiến đang dựng lên các hàng rào kỹ thuật với các sản phẩm nhập khẩu, vấn đề này rất mâu thuẫn và dẫn đến tình huống “anh mở cổng mời tôi vào nhưng anh lại đóng cửa thì tôi làm sao vào được?”.
Vì vậy, Bộ rất đồng tình với ý kiến nghị của VRA là phải nghĩ ra hàng rào kỹ thuật mà không vi phạm các cam kết trong các FTA, nhưng phải có tác dụng bảo hộ hay hỗ trợ sản xuất trong nước. Mặt khác, Bộ cũng thống nhất chính sách phải đến từ thực tiễn cuộc sống, thực tiễn hoạt động. “Tôi mong các hiệp hội tiếp tục kiến nghị, đề xuất chính sách nhưng phải nắm bắt chính sách của nước sở tại để có phản ứng, và đề xuất phản ứng chính sách của Chính phủ. Song, phải đi từ thực tiễn kinh nghiệm, thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, các cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung hay ban hành, mới những cơ chế chính sách phù hợp, khả thi, giúp được cho các doanh nghiệp trong nước”, ông Diên nhấn mạnh.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>