Tin tức >> Tin cao su trong nước

Thiếu thương hiệu, ngành gỗ khó lớn

19/08/2019

Đa số doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ Việt Nam chỉ làm gia công chi tiết cho các công ty nước ngoài hoặc làm hàng xuất khẩu theo mẫu của khách hàng. Điều đó dẫn tới Việt Nam có nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ quy mô lớn, công nghệ hiện đại nhưng hiếm có công ty nào có tên tuổi trên thị trường quốc tế, giá trị xuất khẩu thu về thấp.


Trong bối cảnh xuất khẩu (XK) nhiều mặt hàng nông nghiệp chủ lực suy giảm, gỗ và các sản phẩm gỗ vẫn tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng hai con số. Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết giá trị XK gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 7 ước đạt 837 triệu USD, lũy kế 7 tháng đầu năm 2019 ước đạt 5,66 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Năm 2005, sản phẩm gỗ và lâm sản của Việt Nam mới XK đến 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, đến năm 2018 đã có mặt ở hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, kim ngạch XK đồ gỗ của Việt Nam hiện mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu, trong khi “miếng bánh” này có giá trị hàng trăm tỷ USD.
Kiếm tiền từ số lượng
Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, chúng ta có quyền tự hào một cách chính đáng về thành tích XK những năm vừa qua nhưng không có quyền tự mãn. Trong chuỗi giá trị sản phẩm gồm 4 giá trị: sản xuất, thương mại, thiết kế và thương hiệu, ngành chỉ mới đạt được giá trị sản xuất ở mức trung bình vì năng suất chưa cao, chất lượng chưa ổn định do trình độ tổ chức, công nghệ và kỹ năng lao động.
Phần lớn các nhà sản xuất Việt Nam thực hiện theo đơn đặt hàng của thương nhân nên ít chú trọng đến giá trị thương mại, từ đó thụ động và ít phát triển marketing, chưa có nhiều hệ thống phân phối ra thị trường để khai thác giá trị thương mại của sản phẩm.
Đặc biệt, các nhà sản xuất mới chú trọng kiếm tiền từ hiệu quả phần cứng sản phẩm; chưa phát triển phần mềm thông qua thiết kế và kỹ năng lao động để đưa tư duy sáng tạo và thổi hồn vào sản phẩm nhằm nâng cao giá trị ngoài sản xuất.
Việt Nam có nhiều nhà sản xuất lớn, công nghệ hiện đại nhưng hiếm có công ty nào có tên tuổi trên thị trường quốc tế và để lại dấu ấn sâu đậm trên thị trường quốc nội. Việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp (DN) và cả thương hiệu quốc gia cũng chưa được chú trọng đúng mức.
“Nhu cầu thị trường đồ nội thất trên thế giới tăng không ngừng. Sản xuất đồ nội thất là thế mạnh của Việt Nam, là nghề truyền thống, là động lực phát triển nông thôn thông qua kinh tế lâm nghiệp. Chúng ta nên nắm bắt cơ hội này để phát triển ngành. Nếu bỏ lỡ, các nước láng giềng như Indonesia và Malaysia có thể sẽ vượt qua Việt Nam để giành lấy thị trường và ngôi quán quân trong ASEAN. Lúc đó, chúng ta chỉ còn khoanh tay ngồi nhìn trong tiếc nuối”, ông Hạnh cảnh báo.
Đại diện Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt đánh giá những năm vừa qua, ngành gỗ rất thành công nhưng DN Việt Nam XK chỉ đạt khoảng 30% tổng kim ngạch XK, còn lại 70% vẫn là từ các DN FDI.
“Điều gì đã cản trở chúng ta ngay tại sân nhà với số lượng DN đông đảo gấp hàng chục lần DN FDI? Phải chăng số đông các DN chúng ta chưa lớn, không có nhiều tên tuổi các công ty lấp lánh thương hiệu trên thị trường trong nước cũng như quốc tế?”, vị đại diện này nêu vấn đề.
Rất ít công ty nội thất có thể tự thiết kế mẫu mã để bán trực tiếp cho khách hàng
Ông Lê Văn Nga, Tổng Giám đốc Công ty Koda Sài Gòn, cũng nhận xét đa số công ty nội thất Việt Nam chỉ làm gia công chi tiết cho các công ty nước ngoài hoặc làm đồ nội thất XK theo mẫu của khách hàng. Rất ít công ty có thể tự thiết kế mẫu mã để bán trực tiếp cho khách hàng, vì vậy giá trị sản phẩm thấp và sức cạnh tranh trên thị trường không cao.
“Thế giới luôn biến đổi không ngừng, nhu cầu của con người cũng thay đổi theo, vì vậy đồ gỗ nội thất không chỉ là cái ghế để ngồi, cái giường để nằm, mà là một tác phẩm nghệ thuật giúp trang hoàng nét đẹp cho không gian sống của họ, nên mẫu mã của sản phẩm chiếm giá trị nhiều nhất trong chuỗi giá trị. Khách hàng quan tâm tới cái đẹp, cái gu thời trang, tới không gian nội thất bên trong căn nhà của họ trước, sau đó mới quan tâm tới chất liệu, giá cả và công nghệ. Nếu DN nào không quan tâm điều này mà vẫn làm theo cách cũ sẽ bị một sức ép cạnh tranh rất lớn, đó là “sức ép của sự đào thải” vì không thể thích nghi với môi trường kinh doanh mới”, ông Nga chia sẻ.
Thay đổi tư duy
Câu hỏi đặt ra là các DN Việt Nam không chú trọng đến việc thiết kế mẫu mã sản phẩm? Theo ông Nga, có lẽ do DN chưa nhận biết được tầm quan trọng của việc thiết kế mẫu mã sản phẩm sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cao trên thị trường và mang lại giá trị rất cao cho sản phẩm khi bán ra. Hoặc các DN biết tầm quan trọng của việc thiết kế mẫu mã nhưng chưa dám làm, sợ rủi ro, vì vậy vẫn làm theo cách cũ. Cũng có các DN biết, muốn làm mà không biết làm, không đủ năng lực để làm, không biết bắt đầu từ đâu.
Trong khi đó, việc các công ty không thiết kế và làm theo mẫu của khách hàng có nghĩa khách hàng sẽ chọn công ty nào có giá rẻ nhất để đặt hàng, khách hàng là người quyết định giá bán. DN phải làm thật nhanh, thật nhiều thì mới có lợi nhuận. Đây là cạnh tranh bằng “cơ bắp”. Các DN này có giá bán rất thấp, lợi thế cạnh tranh thấp, bị khách hàng kiểm soát. Công ty chịu nhiều sức ép về cạnh tranh trên thị trường và sức ép của sự đào thải.
Trước thực trạng trên, ông Nga kiến nghị Chính phủ cần xây dựng những chương trình, chiến lược cụ thể và dài hạn cho ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam, như tạo ra nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, mở các cơ sở đào tạo và dạy nghề cho ngành gỗ, mở ra các trung tâm đào tạo chuyên về thiết kế nội thất. Chính phủ cần có những chương trình xúc tiến thương mại để quảng bá cho hình ảnh ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam, nâng cao thương hiệu gỗ Việt ra thế giới.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HĐQT công ty AA, cho rằng đã đến lúc DN Việt cần thay đổi tư duy kiếm tiền bằng sự cần mẫn trong sản xuất, lấy công làm lời; mà cần phải xây dựng thương hiệu cho riêng mình. Xây dựng thương hiệu sẽ giúp DN có điều kiện phát triển tầm nhìn, định hướng, tăng nguồn khách hàng tự tìm đến, dễ tiếp cận thị trường quốc tế và tối ưu hóa lợi nhuận.
Theo các DN và chuyên gia, mỗi DN Việt Nam phải đổi mới và để ngành gỗ bứt phá đạt được mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD tới năm 2025, phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp: xây dựng thương hiệu, xây dựng kênh phân phối, xây dựng độ ổn định và bền vững về nguồn cung ứng nguyên liệu và môi trường, áp dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến vào sản xuất, xây dựng thiết kế mẫu phù hợp với thị hiếu của thị trường…

Lê Thúy, nguồn:http://doanhnghiephoinhap.vn/thieu-thuong-hieu-nganh-go-kho-lon.html, ngày 13/8/2019, (VQ trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>