Hoạt động >> Hỗ trợ Hội viên

Thực hiện khảo sát động thái doanh nghiệp Việt Nam quý I/2020 và đánh giá các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua dịch Covid-19

10/07/2020

Theo đề nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Cao su Việt Nam đã gửi thư mời Hội viên Hiệp hội tham gia thực hiện khảo sát nhằm đóng góp phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp ngành cao su về tình hình hoạt động và nhất là việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.


Theo phản hồi từ các doanh nghiệp (DN), thực trạng tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý I/2020 kém khả quan hơn nhiều so với quý IV/2019. So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, phần lớn DN hoàn thành ở mức từ 35 – 50%. Dự báo về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Quý II/2020, phần lớn các DN đều lạc quan về tình hình kinh doanh với dự báo tăng trưởng tích cực, tuy nhiên giá bán sẽ giảm. Trong quý III/2020, các DN phản hồi cho biết sẽ giữ nguyên hoặc giảm quy mô kinh doanh.

Về tác động của dịch bệnh Covid-19 lên doanh nghiệp, 2 tác động mà DN phản hồi nhiều nhất là doanh thu giảm do thu hẹp thị trường xuất khẩu/thị trường nội địa và cản trở hoạt động kinh doanh do các biện pháp cách ly xã hội, phòng dịch. Bên cạnh đó, các DN còn gặp phải khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào và thiếu vốn/dòng tiền trong kinh doanh. Cụ thể, các DN phản ánh doanh thu giảm từ 30 – 70%, và lực lượng lao động giảm lên đến 70%. Một số DN cho rằng, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài đến hết quý II/2020 với mức độ nghiêm trọng như quý I thì DN chỉ có thể duy trì hoạt động thêm được từ 3 – 6 tháng.
Về tình hình tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước để vượt qua dịch Covid-19, các chính sách được đề cập trong khảo sát bao gồm: giữ nguyên nhóm nợ, gia hạn trả nợ ngân hàng, vay mới với lãi suất ưu đãi, giảm lãi suất các khoản đã vay, miễn, giảm phí thanh toán giao dịch quốc tế, miễn, giảm phí thanh toán giao dịch nội địa, vay ngân hàng chính sách với lãi suất 0% để trả lương, gia hạn nộp thuế GTGT, gia hạn nộp thuế TNDN, gia hạn tiền nộp thuế TNCN, gia hạn nộp tiền thuê đất, tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, hoãn đóng phí công đoàn. Thông qua các phản hồi, phần lớn DN đều có thông tin nhưng không thể tiếp cận hoặc đang trong quá trình làm thủ tục để được hưởng chính sách. Đặc biệt, 3 chính sách nhận được sự quan tâm và phản hồi nhiều nhất từ phía DN là gia hạn nộp thuế GTGT, gia hạn nộp thuế TNDN và giảm lãi suất các khoản đã vay.
Tình hình tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước để vượt qua dịch COVID-19
Các DN cũng đưa ra các lý do khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc tiếp cận chính sách. Theo đó, các chính sách thường không đi kèm các hướng dẫn cụ thể, dẫn đến thiếu thông tin trong việc thực hiện. Ngoài ra, để được hưởng chính sách, các DN cần phải đáp ứng nhiều yêu cầu phức tạp khiến doanh nghiệp không đủ tiêu chí để được hưởng chính sách. Bên cạnh đó, một số DN cũng đưa thông tin cụ thể về các khó khăn của đơn vị như ngân hàng chỉ đồng ý giãn thời gian trả nợ, tuy nhiên lãi suất vay không thay đổi dẫn đến tình hình tài chính của doanh nhiệp gặp nhiều khó khăn. Hoặc về chính sách tạm hoãn đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, theo quy định thì có 50% lao động của đơn vị mất việc làm mới được hưởng, nhưng trên thực tế dịch bệnh khiến DN không bán được hàng nhưng lao động tại DN vẫn cạo mủ và chế biến sản phẩm, không bị mất việc làm.
Lý do khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước về COVID-19
 
Thông qua khảo sát, doanh nghiệp cũng kiến nghị với nhà nước và VCCI để hỗ trợ DN vượt qua dịch Covid-19. Thứ nhất, về chính sách thuế, cần giảm thuế cho DN, xem xét miễn thuế VAT đối với mặt hàng cao su thiên nhiên để hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu. Giảm thuế TNDN đối với thu nhập từ cao su thanh lý từ 20% xuống còn 10%, đồng thời miễn giảm hoặc gia hạn các khoản thuế phải nộp trong năm 2020.
Thứ hai, về các khoản vay, VCCI cần kết hợp với nhà nước có những công văn cụ thể về chính sách giảm lãi vay các khoản vay, ưu đãi lãi vay với các điều kiện đơn giản, dễ tiếp cận hơn, kéo dài thời gian trả nợ đến ngân hàng thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời phía ngân hàng nên có các hướng dẫn cụ thể cho việc xét duyệt đối tượng được hưởng ưu đãi, tránh trường hợp DN đã nộp hồ sơ xin xét duyệt hỗ trợ nhưng không được phản hồi hoặc thời gian phản hồi quá lâu. Có chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi những lô hàng cao su xuất khẩu đi thị trường nước ngoài nhằm tăng tính cạnh tranh về giá bán so với DN xuất khẩu cao su tại các nước khác do đầu ra của thị trường cao su hiện nay giảm về quy mô.
Thứ ba, về biện pháp kích thích sản xuất, đề nghị nhà nước có chính sách cho các DN cao su vay vốn trồng tái canh cao su và miễn tiền thuê đất cao su kiến thiết cơ bản, đồng thời hỗ trợ DN được tiếp tục miễn tiền thuê đất đối với diện tích trồng cao su tái canh trong thời gian kiến thiết cơ bản từ năm 2021 trở đi.
Thứ tư, mở rộng các đối tượng được hưởng chính sách. Các DN có doanh thu bị sụt giảm đều nên là đối tượng được nhận hỗ trợ chính sách gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ với nợ vay tương đương với khoản sụt giảm. Hiện nay chỉ các đơn vị ảnh hưởng trực tiếp theo quy định của ngân hàng nhà nước ban hành từ tháng 3/2020 đã không phản ánh được toàn bộ các DN chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Thứ năm, cần loại bỏ các thủ tục hành chính phức tạp. Bên cạnh đó, Thủ tướng cần trực tiếp dành nhiều thời gian lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các DN thường xuyên hơn nữa.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (Hiền Bùi tổng hợp) 


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>