Tham dự diễn đàn và chủ trì cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Ðình Dũng; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. Đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành có: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - ông Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - ông Trần Hồng Hà; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - ông Nguyễn Đức Chung cùng các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành khác.
Tham dự diễn đàn còn có khoảng 600 đại biểu đại diện các Bộ, Ngành, Trung ương, Địa phương và một số đại sứ quán, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội và hơn 300 doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu.
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam đạt 9,382 tỷ USD, chiếm hơn 23% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, giá trị xuất siêu đạt hơn 7,1 tỷ USD. Việt Nam đang trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Thị trường xuất khẩu gỗ, lâm sản ngày càng được mở rộng, đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các mặt hàng đáp ứng thị hiếu phong phú của người tiêu dùng, chủ yếu là đồ gỗ nội thất chất lượng cao, sản phẩm đồ gỗ ngoại thất.
Sản lượng gỗ khai thác nội địa đạt 28,45 triệu m3, tăng 6% so với năm 2017. Gỗ nhập khẩu chỉ khoảng 10 triệu m3 quy tròn. Chất lượng nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng từng bước được nâng lên, liên kết chuỗi từ công tác chọn tạo giống, trồng, chăm sóc và quản lý, bảo vệ rừng để trồng gỗ lớn khoảng 290 nghìn ha. Kinh tế lâm nghiệp tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, không chỉ mang lại sinh kế cho hơn 25 triệu hộ dân mà còn khẳng định vị thế là ngành kinh tế xanh, mang nhiều ngoại tệ cho đất nước.
Từ những kết quả đạt được, năm 2019, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đề ra mục tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng thêm từ 1,5 - 1,7 tỷ USD so với năm 2018; kim ngạch xuất khẩu đạt từ 10,8 đến 11 tỷ USD. Về sản phẩm đồ gỗ đạt 7,6 - 7,8 tỷ USD; sản phẩm lâm sản ngoài gỗ đạt khoảng 0,6 tỷ USD; dăm gỗ đạt 1,3 tỷ USD; sản phẩm khác đạt từ 1,3 - 1,5 tỷ USD.
Về thị trường, ngành chú trọng duy trì và tăng trưởng tại 5 thị trường đang có giá trị xuất khẩu cao, gồm: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc; đồng thời, mở rộng thị phần tại một số thị trường tiềm năng khu vực Nam Mỹ, Nga, Australia, Canada, Ấn Độ...
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao những thành quả mà ngành lâm nghiệp đạt được trong những năm vừa qua. Thủ tướng nhận định, năm 2018 với kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt gần 9,4 tỷ USD là minh chứng cho sự thắng lợi trên mặt trận kinh tế, thể hiện sức mạnh nội lực của ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản đã được củng cố vững chắc. Tỷ trọng nguyên liệu chế biến gỗ trong nước (gần như toàn bộ là gỗ rừng trồng) đạt 76,4%, nguyên liệu gỗ nhập khẩu giảm xuống ở tỷ lệ 23,4%. Các sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam có mẫu mã tốt, được các thị trường quốc tế chấp nhận. Đây là trí tuệ, giá trị gia tăng, rất quan trọng. Cùng với đó, việc chuyển giao công nghệ từ các viện, trường, các nhà nghiên cứu đến với sản xuất, thị trường xuất khẩu bước đầu đạt kết quả tốt, qua đó nâng cao giá trị cho gỗ Việt. Đặc biệt, sản phẩm xuất khẩu, gỗ tiêu dùng ở Việt Nam phần lớn là rừng trồng, từ đó, hạn chế gỗ nhập khẩu và nghiêm cấm khai thác gỗ rừng tự nhiên. So với năm 2005, kim ngạch xuất khẩu đã tăng 900%, chưa có ngành hàng nào tăng trưởng mạnh mẽ, đột biến như vậy.
Bên cạnh những thành công, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam là có điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhưng chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản mới chiếm 6% thị phần thế giới vẫn là mức thấp; sự đa dạng, hấp dẫn của sản phẩm đồ gỗ Việt Nam còn khiêm tốn. Tại diễn đàn, Thủ tướng đặt ra một số câu hỏi lớn để ngành chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản tìm câu trả lời về phát huy thế mạnh rừng và đất rừng thông qua trồng rừng, chế biến lâm sản và nêu một số vấn đề để các đại biểu cùng thảo luận, chia sẻ, tìm lời giải: Nhận diện đầy đủ về tiềm năng, lợi thế của ngành để phát huy, tận dụng, nắm bắt thời cơ để phát triển bền vững, đạt hiệu quả.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã nghe nhiều tham luận đánh giá thực trạng và phân tích những cơ hội, tiềm năng phát triển cũng như thách thức của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu. Qua đó, đề xuất Chính phủ xem xét, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu bền vững trong thời gian tới.
Tham luận tại diễn đàn, NGND.GS.TS. Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp đã đưa ra một số đề xuất giải pháp bứt phá, phát triển bền vững cho ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản, như: cơ chế, chính sách; nguồn nguyên liệu; nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu; tăng cường hợp tác và bồi dưỡng nguồn nhân lực; đẩy mạnh các ứng dụng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cao... Hội nghị đánh giá rất cao những giải pháp mà Trường Đại học Lâm nghiệp đã đưa ra. Điều này cũng được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nghi nhận trong phần kết luận của Diễn đàn.
Tại diễn đàn, đã có 41 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự thành công của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu được vinh danh. Trong đó, 15 tập thể được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 26 tập thể và 5 cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam tổng hợp (Hồng Vân)