Hoạt động >> Hoạt động khác

Tham dự Hội thảo Phát triển Công nghiệp hỗ trợ của Thành phố Hồ Chí Minh

18/01/2016

 Ngày 27/8/2015, Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam đã cử đại diện tham dựHội thảoPhát triển Công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh” do Sở Công Thương TP.HCM phối hợp với Công ty C.I.S Việt Nam tổ chức ngày 27/8/2015 tại Trung tâm Triển lãm và Hội chợ Tân Bình.


 Hội thảo này nằm trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế lần thứ 2 về Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam năm 2015 diễn ra từ ngày 27 – 30/8/2015, thuộc Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia được Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân TP.HCM chỉ đạo thực hiện. Mục đích của Hội thảo nhằm tiếp thu các ý kiến thảo luận, trao đổi từ các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xúc tiến thương mại, tổ chức hiệp hội ngành nghề và các doanh nghiệp liên quan để có cơ sở đề ra các giải pháp, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ của Thành phố Hồ Chí Minh.

Nội dung được quan tâm nhiều nhất là báo cáo tóm tắt Đề án Phát triển Công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 – 2020, định hướng đến năm 2025, do Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP.HCM trình bày. Đề án đã tiến hành nghiên cứu 6 ngành công nghiệp trọng yếu của TP.HCM gồm Cơ khí, Điện tử – Công nghệ thông tin, Cao su – Nhựa, Chế biến lương thực và hai ngành truyền thống là Dệt may, Da giày. Theo kết quả khảo sát của Đề án từ tháng 10/2014 đến tháng 8/2015, hiện trạng của ngành Công nghiệp hỗ trợ tại TP.HCM còn những tồn tại như quy mô doanh nghiệp nhỏ lẻ và manh mún; mối liên kết giữa các ngành liên quan còn hạn chế; nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị, linh phụ kiện chủ yếu là nhập khẩu; các doanh nghiệp chưa chuẩn bị tốt cho quá trình hội nhập. Bên cạnh đó, còn có những rào cản đối với sự phát triển công nghiệp hỗ trợ của TP.HCM.
Nhóm rào cản về chính sách được đưa lên hàng đầu như chưa có đầu mối thống nhất trong công tác tham mưu, chỉ đạo cho việc phát triển CNHT; việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp gặp khó khăn khi muốn mở rộng mặt bằng cho sản xuất kinh doanh, giá thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp khá cao; 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ và tín dụng; chính sách thuế còn nhiều bất cập (miễn giảm thuế nhập khẩu thiết bị nguyên chiếc nhưng áp thuế nhập khẩu linh kiện khá cao đã khiến doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị thay vì đặt hàng sản xuất lắp ráp trong nước); công tác hoàn thuế giá trị gia tăng mất nhiều thời gian đã gây khó khăn cho doanh nghiệp trong luân chuyển vốn sản xuất kinh doanh).  
Ngoài ra, còn có những rào cản về công nghệ, chất lượng, giá thành cũng như về thông tin thị trường và về nguồn nhân lực. 
Để khắc phục những khó khăn và hạn chế trong phát triển CNHT tại TP.HCM, ông Nguyễn Phương ĐôngPhó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết sẽ tập trung triển khai Đề án Phát triển Công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 – 2020 với những giải pháp trọng tâm được Đề án kiến nghị như có chính sách ưu đãi về vốn, tăng cường hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; chính sách thuế thuận lợi cho doanh nghiệp; hỗ trợ về mặt bằng sản xuất; chính sách phát triển thị trường và kết nối cung cầu qua tăng cường cơ sở dữ liệu, thông tin về doanh nghiệp và hoạt động xúc tiến thương mại; phát triển & chuyển giao công nghệ; và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực.  
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam tổng hợp (Hoa Trần)
 
Ông Nguyễn Phương Đông – Phó Giám đốc Sở Công Thương phát biểu khai mạc Hội thảo
(Ảnh: Hoa Trần)
 
 


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>