Hoạt động

Tham dự Hội thảo Đánh giá sự tham gia của các bên liên quan vào quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực công thương

07/04/2016

Ngày 18/3/2016, tại TP.HCM, Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam đã cử đại diện tham dự Hội thảo Đánh giá sự tham gia của các bên liên quan vào quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực công thương


 Hội thảo do Vụ Pháp chế - Bộ Công Thương phối hợp với Dự án Phát triển Lập pháp Quốc gia (Dự án NLD) tổ chức nhằm đánh giá cũng như lấy ý kiến về sự tham gia của các bên liên quan vào quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực công thương.

Tại Hội thảo, các chuyên gia Dự án NLD đã báo cáo thực trạng hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành Công Thương, phân tích, đánh giá mức độ tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là vai trò của các hiệp hội trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực Công Thương. Các chuyên gia đã nêu bật những khó khăn, hạn chế trong việc lấy ý kiến liên quan trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, các đơn vị chủ trì soạn thảo thường chưa tóm tắt các nhóm nội dung cần lấy ý kiến, mặc dù đây là quy định bắt buộc. Các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khi đóng góp ý kiến bắt buộc phải tự đọc và nghiên cứu mất nhiều thời gian, dẫn đến chủ thể không muốn tham gia ý kiến. Ngoài ra, thời hạn đăng tải dự thảo văn bản pháp luật trên trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương theo quy định ít nhất là 60 ngày, tuy nhiên, trên thực tế, một số văn bản đăng tải chưa đủ 60 ngày đã được ban hành chính thức.
Đối với vai trò của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp và các hiệp hội trong hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các chuyên gia nhấn mạnh các tổ chức, hiệp hội không chỉ dừng lại ở mức độ đưa ra ý kiến chung, thiếu các lập luận khoa học, mà cần thựchiện phản biện xã hội trong cả quá trình soạn thảo văn bản. Theo đó, các tổ chức, hiệp hội cần phải tích cực cung cấp thông tin,thực hiện phân tích, đánh giá một cách khoa học, có cơ sở lý luận và thực tiễn. Đặc biệt, các hiệp hội còn là là đơn vị trung gian, đứng ra lấy ý kiến, tập hợp ý kiến và lựa chọn ý kiến phù hợp để tham gia xây dựng pháp luật.
Ngoài ra, các đại biểu tham dự Hội thảo là đại diện các hiệp hội ngành nghề, các luật sư cũng đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ngành Công Thương. Trong đó, hầu hết các đại biểu tham gia đều nhận định thời gian để các bên liên quan nghiên cứu và đóng góp ý kiến còn quá ít, rất khó để các hiệp hội tập hợp ý kiến của Hội viên nhằm đưa ra các đóng góp mang tính hài hòa và thực tiễn.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (Chí Dương)
 


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>