Ông Stefano Savi, Giám đốc Nền tảng toàn cầu về Cao su thiên nhiên bền vững (GPSNR) chia sẻ rằng: “Do nhu cầu cao su thiên nhiên (CSTN) ngày càng tăng, vấn đề phát triển cao su bền vững nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ các bên liên quan. Theo ông Stefano, cân bằng giữa 3 yếu tố môi trường (hạn chế phá rừng, quản trị nguồn tài nguyên, kiểm soát đa dạng sinh học), xã hội (đảm bảo quyền con người, điều kiện sống và làm việc, bất bình đẳng giới) và kinh tế (cải thiện thu nhập cho nông dân, điều chỉnh cơ cấu giá hợp lý) sẽ giúp ngành cao su nói riêng và ngành kinh tế nói chung phát triển bền vững. Ngoài ra, theo ông Stefano, 3 nguyên lý tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn gồm loại chất ô nhiễm ra khỏi nguồn nước và đất, lưu thông hàng hóa ở mức giá có lợi cho nhà cung cấp và nhà sản xuất, đồng thời, phát triển nền tảng chia sẻ cách sử dụng và tái tạo nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên.
Ông Toh Heng Guan, Tổng Thư ký Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), chỉ có 9% CSTN được tái chế sau khi sử dụng, phần còn lại không qua xử lý sẽ bị xả thải ra ngoài gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của con người, môi trường và tổn hại đến nền kinh tế. Ông Toh Heng Guan cho rằng tất cả các bên liên quan đều phải có trách nhiệm cùng nhau phát triển kinh tế một cách bền vững. Cụ thể, đối với vườn cây cao su cần được trồng và khai thác theo đúng quy định, không trồng trên đất phá rừng hoặc đất làm suy thoái rừng; đối với nhà máy khi hoạt động cần đảm bảo vệ sinh, quy trình khép kín, xử lý chất thải nghiêm ngặt trước khi đưa ra môi trường.
Ông Tobi Nagy, CEO của Asia Venture Lab (AVL) trình bày cách quản lý chất thải từ giày dép ở cuối vòng đời tại khu vực Đông Nam Á thông qua một dự án với một công ty sản xuất giày dép tại Indonesia gặp vấn đề về xử lý chất thải cao su (NBR/SBR) trong quá trình sản xuất. Tính đến năm tài chính 2022, gần 39.000 tấn chất thải rắn được tạo ra bởi các nhà sản xuất giày dép tại Indonesia, trong đó khoảng 24.800 tấn (chiếm 63.8%) đã được tái chế để tạo ra nhiệt, nhiên liệu và năng lượng nhằm tái sử dụng trong sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, khó khăn mà mục tiêu này gặp phải bao gồm khối lượng phế thải không đủ lớn để thiết lập hoạt động nhà máy tái chế; nhu cầu tiêu thụ sản phẩm phế liệu tái chế còn thấp; chi phí vận chuyển và lượng khí thải các-bon trong quá trình tái chế trở nên khó kiểm soát. AVL đưa ra giải pháp qua việc thiết lập một mô hình hợp tác với tất cả các công ty sản xuất giày dép ở Indonesia để tạo ra một giải pháp toàn ngành để tái sử dụng và tái chế giày hết tuổi thọ cũng như xử lý chất thải từ tất cả các nhà sản xuất giày dép địa phương.
Trước tình hình kinh tế biến động, hội thảo đã cập nhật thông tin hữu ích cũng như hướng dẫn một số phương pháp để ngành cao su vẫn tiếp tục là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững toàn cầu.
Văn phòng HHCSVN (Thanh Ngân)