Tổ chức Hội thảo giao thương kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Đức
Ngày 21/4/2023, tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam ở CHLB Đức ở Berlin, chương trình giao thương, kết nối doanh nghiệp đã được tổ chức thành công với sự tham dự của Đại sứ Vũ Quang Minh; ông Nguyễn Mạnh Hải, Tham tán phụ trách bộ phận Đầu tư Đại sứ quán Việt Nam; bà Đỗ Việt Hà, đại diện Thương vụ Việt Nam; Ngôi nhà Đức (Deutsches Haus) cùng đại diện các doanh nghiệp Đức như Weber & Schaer GmbH, Blickle Räder+Rollen GmbH, VLK EuropeConsult GmbH, GLB Germany GmbH… và 15 doanh nghiệp xuất khẩu cao su uy tín của Việt Nam.
Chương trình giao thương, kết nối giữa các doanh nghiệp
cao su Việt Nam và Đức. Ảnh: Phương Hoa
Phát biểu chào mừng, Đại sứ Vũ Quang Minh nhấn mạnh Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU), trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại Đông Nam Á. Đại sứ đánh giá cao sự năng động của các doanh nghiệp Việt Nam, khẳng định khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam ngày càng mạnh, đặc biệt sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực.
Đại diện Thương vụ, bà Đỗ Việt Hà chia sẻ một số thông tin về thị trường cao su Đức và EU. Ngành cao su là ngành công nghiệp rất quan trọng của Đức, cung cấp các sản phẩm cho ngành công nghiệp ô tô, cơ khí, xây dựng… Nhu cầu nhập khẩu cao su thiên nhiên và các sản phẩm cao su của Đức rất lớn. Đức là thị trường lớn, đòi hỏi nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm nên các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu kỹ các tiêu chuẩn kĩ thuật của EU đối với sản phẩm cao su.
Tại buổi giao thương, các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Đức đã có những trao đổi rất cụ thể về các nhu cầu nhập khẩu cao su và sản phẩm cao su. Ông Tobias Boysen, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Weber & Schaer GmbH & Co.KG – tập đoàn phân phối, bán buôn cao su thiên nhiên, các sản phẩm cao su lớn của Đức đánh giá cao về chất lượng sản phẩm cao su của Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cao su Việt đã đạt được các chứng chỉ quốc tế về tính bền vững như FSC, PEFC… Tập đoàn Weber & Schaer cho biết sẽ tăng sản lượng nhập khẩu cao su thiên nhiên và các sản phẩm cao su Việt Nam trong tương lai.
Ông Martin Sülzle, Trưởng bộ phận nhập khẩu của Tập đoàn Blickle Räder & Rollen – Tập đoàn phân phối bánh xe các loại, có chi nhánh tại 120 quốc gia trên thế giới cho biết đang có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm cao su, phụ kiện làm từ cao su của Việt Nam và có kế hoạch hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp trong Đoàn cũng đề xuất ý kiến về các hoạt động cần sự hỗ trợ của Thương vụ trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ tại Đức như trao đổi thông tin định kỳ về chiến lược phát triển kinh tế, nhu cầu xuất nhập khẩu, chính sách, luật pháp của nước sở tại, cũng như về các rào cản thương mại và ưu đãi mới; thông tin kịp thời về các hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo… được tổ chức trong năm tại Việt Nam và nước sở tại trên trang tin điện tử của Đại sứ quán; thực hiện vai trò thẩm định đối tác nước ngoài theo yêu cầu của doanh nghiệp Việt Nam; tư vấn cho doanh nghiệp Việt Nam về mặt pháp lý khi gặp khó khăn, vướng mắc với đối tác và/hoặc cơ quan quản lý tại nước ngoài.
Tham quan nhà máy sản xuất của Continental
Ngày 24/4/2023, Đoàn đã có buổi tham quan nhà máy sản xuất cao su hỗn hợp thuộc Tập đoàn Lốp xe Continental (Đức). Đây là một trong những nhà máy cung cấp sản phẩm cao su hỗn hợp (rubber compound) cho các nhà máy sản xuất lốp xe của Continental cũng như các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cao su khác như ống cao su, phụ tùng cao su, gioăng phớt…. Nhà máy bao gồm hơn 2.000 công thức cho các hợp chất cao su ở nhiều hình thức khác nhau: tấm sọc liên tục, tấm tách không có tác nhân, tấm ở dạng bảng và cuộn và dạng hạt.
Đoàn tham quan nhà máy của Continental
Về nhu cầu cao su thiên nhiên, đại diện Continental khẳng định cao su giữ cho thế giới hiện đại chuyển động và là chìa khóa cho sự phát triển tiên phong và đổi mới kỹ thuật. Vật liệu độc đáo này có chức năng và hoạt động trong hầu hết mọi lĩnh vực công nghiệp cũng như cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, nhu cầu sử dụng sản phẩm này được dự báo vẫn gia tăng trong dài hạn. Tuy nhiên, theo xu thế phát triển bền vững của thị trường thế giới cùng quy định mới nhất của châu Âu về sản phẩm xuất khẩu không liên quan đến việc gây mất rừng và suy thoái rừng, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải hết sức chú ý để đảm bảo chuỗi cung minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Làm việc với Tập đoàn Weber & Schaer
Tập đoàn Weber & Schaer được thành lập từ năm 1890 và là một trong những doanh nghiệp nhập khẩu cao su thiên nhiên hàng đầu ở châu Âu đồng thời là đối tác tiếp thị cho các nhà sản xuất nổi tiếng về cao su tổng hợp, hóa chất cao su, chất độn, chất kết dính và phụ gia cho ngành. Với 175 năm kinh nghiệm hoạt động trong ngành cao su, Weber & Schaer cung cấp các nguyên liệu thô theo nhu cầu khách hàng, dịch vụ tư vấn chất lượng cao, tính khả dụng cao và khả năng lưu trữ quy mô lớn là thương hiệu của Tập đoàn này.
Hệ thống nhà kho và khả năng lưu trữ của Tập đoàn được thiết kế để bù đắp cho bất kỳ sự chậm trễ vận chuyển nào xảy ra. Quản lý hàng hàng tồn kho chuyên nghiệp cho phép duy trì kho nguyên liệu dự phòng với số lượng lớn, do đó có thể đảm bảo nguồn cung trong hầu hết các trường hợp. Ngoài ra, trong các kho chứa đều duy trì đủ không gian lưu trữ được sưởi ấm để ngăn cao su thiên nhiên bị đóng băng vào mùa đông và các buồng sưởi đặc biệt để làm khối cao su bị đông cứng trở lại trạng thái ban đầu mà không gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam giới thiệu, quảng bá về nguồn nguyên liệu dồi dào với chất lượng và uy tín đảm bảo, đặc biệt là các doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam”. Hiệp hội nhận định châu Âu nói chung và Đức nói riêng là một thị trường khó tính nhưng uy tín và có quan hệ đối tác truyền thống với doanh nghiệp cao su Việt Nam. Trong những năm gần đây, yêu cầu của khách hàng đối với sản phẩm ngày càng khắt khe và hướng tới phát triển bền vững. Vì vậy, Hiệp hội đã thực hiện nhiều hoạt động tích cực tuyên truyền và hỗ trợ các doanh nghiệp thực thi những giải pháp chuyển đổi phù hợp để thích ứng với bối cảnh mới của thị trường.
Trao đổi cùng Đoàn, ông Rene Marc Weber, Giám đốc phụ trách của Weber & Schaer cho biết, Nghị viện Liên minh châu Âu (EU) thông qua luật thương mại quốc tế liên quan đến quy định về chống phá rừng. Theo đó, nông sản chỉ được nhập vào EU nếu toàn bộ quy trình không diễn ra trên diện tích rừng bị chặt phá kể từ sau ngày 31/12/2020. Theo đó, các công ty cũng sẽ phải xác minh rằng các sản phẩm này tuân thủ luật pháp liên quan của quốc gia sản xuất, bao gồm cả quyền con người, tức việc sản xuất phải tôn trọng đời sống an sinh của người dân bản địa. Điều này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp cao su Việt Nam phải có những thay đổi phù hợp với yêu cầu mới.
Văn phòng HHCSVN (Hồng Vân)