Ngày 14/3/2023, đại diện Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam đã tham dự Hội thảo trực tuyến “Quy định sử dụng nhãn VFCS và PEFC” do Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (VFCO) tổ chức nhằm giới thiệu về những quy định trong cấp phép, phạm vi sử dụng và các yêu cầu kỹ thuật nhãn VFCS và PEFC theo tiêu chuẩn PEFC ST 2001:2020, VFCS/PEFC ST 1008:2022 và VFCS/PEFC GD 1009:2020.
Bên trái: Nhãn VFCS phải luôn đi kèm số đăng ký sử dụng.
Nhãn VFCS có màu xanh lá cây và cũng có thể được nhận biết khi được in
bằng mực màu đen trên nền trắng. Bên phải: Các yếu tố nhãn PEFC
trên mẫu nhãn màu xanh lá cây. Nhãn PEFC có thể được sử dụng với ba màu
xanh lá cây, đen và trắng và luôn có một màu nền tương phản duy nhất.
|
Về đối tượng sử dụng, cả hai nhãnVFCS và PEFC đều có thể được cấp cho Nhóm B: Chủ rừng; Nhóm C: Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, lâm sản và Nhóm D: Tổ chức, cá nhân khác, tức các tổ chức, cá nhân không thuộc nhóm B và C được sử dụng Nhãn VFCS cho mục đích như đào tạo, quảng bá, tuyên truyền về Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia. Đối với nhãn PEFC còn có thể được cấp cho Nhóm A: Cơ quan quản lý Quốc gia. Tại Việt Nam VAFS/VFCO là cơ quan quản lý quốc gia duy nhất được ủy quyền bởi PEFC sử dụng nhãn này. Về phạm vi sử dụng, nhãn PEFC có thể được sử dụng Trên sản phẩm và liên quan đến sản phẩm (on product), tức sử dụng Trực tiếp trên các sản phẩm hữu hình; Gián tiếp ám chỉ đến sản phẩm trên các phương tiện truyền thông hoặc tài liệu tiếp thị cũng như đối với nguyên liệu trực tiếp hoặc gián tiếp được sử dụng trong quá trình sản xuất và Ngoài sản phẩm (off product), tức bất kỳ cách sử dụng nào không thuộc phạm vi sử dụng trên sản phẩm. Việc sử dụng nhãn PEFC Trên sản phẩm không còn được phép đối với chứng chỉ Quản lý rừng bền vững được cấp cho nhóm B và chỉ còn cho phép đối với chứng chỉ Chuỗi hành trình sản phẩm cấp cho nhóm C, ngoài ra, Nhà bán lẻ (đối tượng thuộc nhóm D) có thể dùng nhãn trên sản phẩm – gián tiếp ám chỉ về sản phẩm có chứng chỉ. Trong khi đó, nhãn VFCS chỉ được sử dụng Ngoài sản phẩm, phục vụ mục đích truyền thông hoặc hoạt động mang tính giáo dục và quảng cáo. Trường hợp sử dụng nhãn VFCS cho các mục đích khác như hội thảo, đào tạo, quảng bá, tuyên truyền về Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia, VFCO có thể cấp phép cho một lần sử dụng nhãn VFCS.
Tại hội thảo, đại diện của Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận cũng tham gia chia sẻ trực quan về cách tạo nhãn PEFC trên trình tạo nhãn PEFC Label Generator. Đây là phương pháp tiện lợi, hữu ích hỗ trợ doanh nghiệp tự tạo nhãn sản phẩm, đồng thời đảm bảo nhãn phù hợp với quy định của PEFC. Với phương pháp trên, doanh nghiệp có thể sử dụng nhãn trực tiếp sau khi hoàn tất mà không cần phải gửi lại VFCO hay PEFC để kiểm duyệt. Tuy nhiên, với một số trường hợp đặc biệt khi các yêu cầu của nhãn PEFC không theo tiêu chuẩn màu sắc hoặc có sự điều chỉnh ví dụ như màu logo trùng với màu nhãn khiến không thể nhìn rõ logo, số logo nếu in lên sản phẩm sẽ không thể đọc được hoặc không khả thi (với sản phẩm có bề mặt in nhỏ như bút chì), doanh nghiệp cần phải được phê duyệt trước của Hội đồng PEFC. Ngoài ra, VFCO cũng lưu ý các doanh nghiệp đã được đánh giá theo các bộ tiêu chuẩn cũ cần được đánh giá theo PEFC ST 2001:2020 – Nguyên tắc sử dụng nhãn PEFC trễ nhất trước ngày 14/11/2023. Việc ký hợp đồng sử dụng nhãn cũng trở thành yêu cầu bắt buộc ngay cả khi doanh nghiệp chưa tiêu thụ sản phẩm có chứng nhận.