Hoạt động

Tổ chức kỳ họp Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra Hiệp hội và Hội đồng quản lý Quỹ Bảo hiểm xuất khẩu cao su lần 2 năm 2021

11/01/2022

Năm 2021, thương mại toàn cầu được đánh giá dần khởi sắc trở lại nhờ việc các nước nới lỏng nhiều biện pháp hạn chế, chuyển sang chiến lược “sống chung an toàn với COVID-19” thay vì đóng cửa thực hiện “Zero COVID”. Tuy vẫn còn phải đối mặt với thách thức về lạm phát gia tăng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, trong 11 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam ước đạt 1,7 triệu tấn với giá trị khoảng 2,8 tỷ USD, tăng 11,9% về lượng và tăng 40,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020 nhờ đơn giá xuất khẩu bình quân tăng 25,8%. Đa số các mặt hàng sản phẩm cao su Việt Nam xuất khẩu trong 11 tháng năm 2021 cũng đều tăng trưởng so với cùng kỳ 2020, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 3,3 tỷ USD, tăng 21,9%. Ngành gỗ cao su cũng có mức tăng trưởng tích cực so với năm ngoái.

Trước tình hình còn nhiều biến động, những tháng cuối năm ghi nhận thách thức mới như sự xuất hiện của biến chủng Omicron và khủng hoảng năng lượng toàn cầu, cuộc họp Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra Hiệp hội và Hội đồng quản lý Quỹ Bảo hiểm xuất khẩu cao su (Quỹ BHXKCS) lần 2 năm 2021 đã được tổ chức vào sáng ngày 16/12/2021 theo 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của 20/33, gồm 13 thành viên tham dự trực tiếp, 7 thành viên tham dự trực tuyến, nhằm đánh giá kết quả hoạt động của 2 đơn vị trong một năm vừa qua, đồng thời đề ra những nhiệm vụ trọng tâm để phát huy vai trò hỗ trợ Hội viên, doanh nghiệp ngành cao su trong năm 2022.
Tại cuộc họp, ông Võ Hoàng An – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội – đã báo cáo sơ kết hoạt động năm 2021 và Kế hoạch năm 2022 của Hiệp hội. Tuy tình hình dịch bệnh khiến việc tiếp xúc Hội viên còn khó khăn, Hiệp hội vẫn nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm theo kế hoạch đề ra. Bên cạnh việc duy trì hoạt động cung cấp thông tin, công tác phát triển ngành, trong năm 2021, Hiệp hội đã tích cực, chú trọng công tác kiến nghị với Chính phủ và cơ quan Bộ, ngành về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ngành cao su ứng phó với ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Theo đó, Hiệp hội phối hợp với 7 hiệp hội ngành hàng kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan về việc cấp giấy đi đường cho Hội viên để thực hiện nhiệm vụ cấp thiết trong thời gian giãn cách xã hội; Gửi công văn đến UBND, Sở Y tế các tỉnh về việc hỗ trợ triển khai xét nghiệm và tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động của Hội viên; Tăng cường tổng hợp ý kiến của Hội viên, doanh nghiệp cho các dự thảo chính sách có liên quan. Ngoài ra, Hiệp hội đã tiếp tục thực hiện 2 Đề án thuộc Chương trình Xúc tiến thương mại (XTTM) quốc gia cũng như linh động tổ chức các hoạt động XTTM và phát triển thị trường thông qua các ứng dụng, công nghệ thông tin và giao dịch thương mại điện tử. Nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành cao su, Hiệp hội đã phối hợp với Tổ chức Forest Trends, Viện Nghien cứu Cao su Việt Nam thực hiện nghiên cứu “Liên kết tiêu thụ sản phẩm cao su tiểu điền: Thực trạng và ý nghĩa đối với sản xuất cao su bền vững tại Việt Nam” cũng như hoàn thành Dự án “Thúc đẩy sự tuân thủ Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp trong ngành cao su Việt Nam” do Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp quốc hỗ trợ kinh phí thực hiện. Về phương hướng kế hoạch năm 2022, Hiệp hội đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể là: Tiếp tục phát triển Thương hiệu ngành cao su Việt Nam thông qua Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam”; Thực hiện phát triển bền vững ngành cao su thông qua hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước; Nghiên cứu đề xuất giải pháp quản lý và nâng cao chất lượng cao su thiên nhiên Việt Nam, đặc biệt là cao su tiểu điền; Tăng cường kết nối, quan hệ Bộ, ngành và hợp tác quốc tế thông qua trao đổi thông tin, số liệu và tham gia đóng góp ý kiến về các kế hoạch, dự án dài hạn.
Bà Nguyễn Thị Kiều Nương – Giám đốc Quỹ BHXKCS – đã trình bày Báo cáo kết quả hoạt động năm 2021 và Kế hoạch tài chính năm 2022 của Quỹ BHXKCS. Theo đó, trong năm 2021, Quỹ đã chi hỗ trợ tài chính cho các hoạt động phát triển nhãn hiệu, phát triển sản xuất kinh doanh xuất khẩu cao su, tham gia các hoạt động XTTM, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chế biến cao su cũng như ứng phó với dịch bệnh cây trồng và thiên tai cho các đơn vị thành viên, với tổng số tiền trên 21,1 tỷ đồng. Trong cuộc họp, Quỹ BHXKCS đề xuất không thu kinh phí đóng góp Quỹ từ các đơn vị thành viên năm 2021 và lên phương án về phạm vi, mức chi hỗ trợ các Thành viên một phần chi phí phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu cao su năm 2021.
Các đại biểu tham dự họp đã tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến về tình hình và kế hoạch hoạt động của Hiệp hội. Khi trạng thái bình thường mới dần được thiết lập, Hiệp hội cần duy trì và triển khai các hoạt động phù hợp nhằm kết nối, mở rộng Hội viên, tiếp tục tạo điều kiện và thúc đẩy hoạt động trao đổi, sử dụng sản phẩm của nhau giữa các Hội viên, tạo mối liên kết dài hạn và đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Trước tình hình còn nhiều biến động, các thành viên tham dự đề nghị Hiệp hội tiếp tục phát huy, tăng cường cũng như duy trì liên tục vai trò kiến nghị chính sách, đồng thời theo dõi kết quả xử lý các kiến nghị nhằm hỗ trợ Hội viên hiệu quả, kịp thời. Bên cạnh đó, để phù hợp xu thế và thúc đẩy phát triển trong ngành cao su, đề xuất Hiệp hội tăng cường giới thiệu thông tin về chuyển đổi số, phục vụ cho quá trình chuyển đổi, phát triển lĩnh vực quản trị, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Kết luận cuộc họp, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch HĐQL Quỹ BHXKCS – thông qua các định hướng trọng tâm cho năm 2022 của Hiệp hội và Quỹ BHXKCS. Đối với Hiệp hội, cần tiếp tục duy trì công tác kết nối, mở rộng các hoạt động giới thiệu, quảng bá Hội viên; Tuyên truyền thúc đẩy thực hiện chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hỗ trợ tối đa việc tăng cường giao thương giữa các Hội viên. Bên cạnh việc phát huy vai trò cầu nối, duy trì công tác kết nối Bộ, ngành cũng như kiến nghị chính sách, Hiệp hội cần đẩy mạnh công tác theo dõi kết quả xử lý các đề xuất đã nêu. Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục nâng cao vị thế và phát triển thương hiệu ngành, Hiệp hội cần tăng cường khuyến khích Hội viên Hội viên tại Lào và Campuchia đăng ký quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) “Cao su Việt Nam”, tận dụng ưu thế của việc NHCN được bảo hộ tại 2 thị trường này, đồng thời nghiên cứu và triển khai bảo hộ NHCN tại các thị trường khác trong thời gian tới, tiến tới mở rộng đối tượng sản phẩm được cấp quyền sử dụng sang sản phẩm cao su và gỗ cao su. Đối với Quỹ BHXKCS, tiếp tục thực hiện các công tác hỗ trợ tài chính hiệu quả và kịp thời cho các Thành viên, đồng thời xây dựng phương án, tiêu chí hỗ trợ phù hợp cho các đề xuất, tiếp tục đảm bảo các khoản hỗ trợ được thông qua tuân thủ đúng các quy định của Hiệp hội và của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Văn phòng HHCSVN (Hương Giang)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>