Ghé thăm Tổ khai thác số 4, NT Đoàn Kết thời điểm này, chúng tôi ghi nhận không khí làm việc hào hứng, sôi nổi của anh chị em công nhân. Ai nấy cũng đều kỳ vọng sớm hoàn thành sản lượng công ty giao. NT Đoàn Kết hiện quản lý khai thác hơn 850 ha cao su, là đơn vị dẫn đầu sản lượng của toàn công ty năm 2022, về trước kế hoạch 46 ngày. Năm 2023, NT được công ty giao sản lượng 1.500 tấn. Chị Trần Thị Hồng – công nhân Tổ khai thác số 4, NT Đoàn Kết cho biết, đến đầu tháng 10, chị đã hoàn thành 91% kế hoạch sản lượng, phấn đấu đạt mục tiêu 105%. Chị Hồng làm việc tại đơn vị hơn 10 năm, luôn xong sớm sản lượng công ty giao hàng năm. “Để đạt chỉ tiêu Công ty giao, tôi chú trọng tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trong cạo mủ, đó là vuông tiền, vuông hậu mặt cạo, giúp tận thu mủ. Đồng thời, các tổ tại NT cũng ứng dụng hiệu quả máng, mái che trong mùa mưa để tránh thất thoát” – chị Hồng chia sẻ.
Chị Trần Thị Phương – công nhân Tổ khai thác số 4,
Nông trường (NT) Đoàn Kết thu hoạch mủ cao su,
tháng 10/2023. Ảnh: Thiên Long
Trong giai đoạn “chạy đua” vượt sản lượng, Cao su Mang Yang xác định chính sách NLĐ là yếu tố quan trọng. Doanh nghiệp thường xuyên thăm hỏi, động viên công nhân tăng gia sản xuất, đồng thời chú trọng đãi ngộ, phúc lợi cho NLĐ, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng số cán bộ công nhân viên lao động (CBCNVLĐ) của công ty khoảng 1.500 người, trong đó người đồng bào chiếm gần 55%. Chị Trần Thị Phương – công nhân Tổ khai thác số 4, NT Đoàn Kết cho biết, trong mùa nước rút, Công ty tổ chức hoạt động khen thưởng tập thể, cá nhân đạt sản lượng cao để khuyến khích tinh thần, đồng thời thường xuyên giao lưu, thăm hỏi, động viên công nhân. “Nhờ sự sát sao của lãnh đạo Công ty nên các chế độ đãi ngộ, ăn uống, sức khỏe cho công nhân đều đảm bảo. Tôi cho rằng đây là yếu tố quan trọng giúp người công nhân hăng hái làm việc” – chị Phương nói thêm.
Theo ông Trương Ngọc Chiến – Giám đốc NT Đoàn Kết, đến đầu tháng 10/2023, NT đạt trên 67% kế hoạch công ty giao. Ông cho biết 3 tháng cuối năm là thời điểm quan trọng để hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh (SXKD), vì vậy, NT cũng đưa ra nhiều giải pháp để đạt mục tiêu sản lượng, trong đó có quản lý lao động và kỹ thuật. “Chúng tôi duy trì đội ngũ lao động cạo mủ hàng ngày, không để vườn cây trống. Đồng thời, NT ra sức nâng cao tay nghề kỹ thuật cạo mủ, trang bị đủ vật tư. Ngoài ra, đối với Tây Nguyên đang trong những tháng mùa mưa, chúng tôi cũng gắn mới, gia cố những máng, mái che mưa, tránh thất thoát mủ” – ông Chiến nhấn mạnh. Nói về công tác thực hiện kế hoạch liên tịch thi đua nước rút, ông Huỳnh Ngọc Hưng – Phó Tổng Giám đốc Cao su Mang Yang cho biết Công đoàn và Công ty đang triển khai nhiều hoạt động để công nhân tích cực, sôi nổi tham gia phong trào. “Năm nay, Cao su Mang Yang đặt mục tiêu phấn đấu khai thác 6.300 tấn mủ, vượt 8 – 10% kế hoạch Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) giao. Trong 3 tháng cuối năm, dự báo có nhiều khó khăn nhưng tôi tin rằng, với lãnh đạo của Công ty, tinh thần hăng hái lao động của công nhân, chúng ta sẽ hoàn thành kế hoạch sản lượng” – ông Hưng chia sẻ.
Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang hiện quản lý hơn 7.500 ha cao su, trong đó diện tích khai thác là trên 4.600 ha. Năm 2022, Cao su Mang Yang khai thác hơn 7.000 tấn mủ quy khô, đạt hơn 120% kế hoạch Tập đoàn giao (5.800 tấn), năng suất vườn cây đạt 1,521 tấn/ha. Lãnh đạo Công ty Cao su Mang Yang cho biết, 70% diện tích vườn cây công ty quản lý nằm ở độ cao trên 700m so mặt nước biển, đi kèm yếu tố bất lợi của thời tiết là nguyên nhân gây bệnh phấn trắng trên cây cao su. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến sản lượng mủ khai thác. Những năm gần đây, bằng cách áp dụng những cải tiến kỹ thuật, công ty đã phòng tác hại của phấn trắng thành công. Nhờ vậy, nhiều vườn cây hiện có năng suất đạt trên 2 tấn/ha.
Hoàng Khải, nguồn: http://tapchicaosu.vn/2023/10/24/nuoc-rut-o-cao-su-mang-yang/, ngày 24/10/2023 (TN trích dẫn)