Thông tin hội viên

Tổng Công ty Cao su Đồng Nai “tuyển và giữ” lao động hiệu quả

17/04/2023

Thị trường lao động tại địa phương ngày càng khan hiếm. Bên cạnh đó, đời sống dân cư được cải thiện, trình độ học vấn ngày càng được nâng lên dẫn đến nguồn lao động phổ thông ngày càng thu hẹp. Do đó, Tổng Công ty (TCT) Cao su Đồng Nai bắt tay vào công cuộc thu tuyển lao động tại các tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc, đồng thời giữ chân người lao động (NLĐ) bằng nhiều giải pháp thiết thực.


 Nhiều khó khăn bước đầu

Từ tình hình thực tế tại đơn vị và địa phương do cạnh tranh lao động với các ngành công nghiệp dịch vụ, có những lúc TCT thiếu lao động trầm trọng. Có thời điểm nhiều nông trường chỉ có 60% tổng số lao động cần có. Bài toán về thu tuyển và giữ chân NLĐ trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết. Do vậy, Ban lãnh đạo TCT và các phòng chuyên môn, nghiệp vụ đã xây dựng các giải pháp để thu tuyển lao động.
TCT đã đến tận nơi, phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền, vận động lợi ích của việc làm công nhân cao su, đồng thời ký kết nghĩa với Tỉnh đoàn Hà Giang, tham gia các Hội chợ giới thiệu việc làm để giới thiệu TCT, thu tuyển lao động, tài trợ toàn bộ chi phí vé tàu, xe cho bà con từ quê vào Đồng Nai. Ngay khi có thông tin số lao động thu tuyển, các nông trường đã nhanh chóng xây dựng nhà tiền chế để bố trí nơi ở ổn định, trang bị những vật dụng sinh hoạt cơ bản… giúp bà con ổn định tư tưởng để sẵn sàng làm việc. Nhờ đó, đến năm 2022 tỷ lệ sử dụng lao động của TCT đạt 98% so với nhu cầu vườn cây. Trong khi tỷ lệ lao động người địa phương giảm dần thì lao động từ các tỉnh phía Bắc tăng lên đáng kể. Tổng số lao động hiện có tại TCT 4.007 người, trong đó có 655 lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh phía Bắc, chiếm tỷ lệ 27% số lao động cạo mủ.
Để Đồng Nai là quê hương thứ hai
Thấu hiểu những tâm tư, lo lắng của bà con khi rời quê hương vào Cao su Đồng Nai lập nghiệp, vùng đất mới, cuộc sống có nhiều bỡ ngỡ, Ban lãnh đạo TCT quyết tâm bằng mọi cách phải nhanh chóng ổn định cuộc sống cho bà con ở xa đến, để họ xem Đồng Nai là quê hương thứ hai, là nơi cho họ có cuộc sống ổn định hơn, tốt hơn. Ban lãnh đạo TCT đã chỉ đạo nông trường từng bước ổn định lao động, tập trung vào nhiều giải pháp. Trong thời gian đầu, khi bà con chưa có phương tiện đi làm, các nông trường tổ chức xe lớn đưa đón bà con đến lô làm việc sáng sớm và chiều đón về nơi ở. Sau đó nông trường cho bà con tạm ứng tiền để mua xe máy di chuyển đến nơi làm việc và vận chuyển mủ ra ga mủ, đồng thời ứng tiền sinh hoạt trong thời gian chưa có lương. Tổ chức học nghề cạo mủ, bảo đảm trong thời gian từ 10 – 12 ngày, NLĐ có thể cạo lấy mủ, đồng thời làm quen dần với cây cao su. Bố trí vợ chồng, anh chị em, người quen biết làm chung phần cây để thuận tiện đi lại và hỗ trợ nhau. Phân công cho các tổ trưởng hỗ trợ nhiệt tình cho NLĐ trên vườn cây. Đồng thời, tổ trưởng thường xuyên tuyên truyền giáo dục về các nội quy, quy chế của đơn vị, các chế độ chính sách, đặc biệt là chế độ tiền lương, tiền thưởng, trợ cấp, các quyền lợi được hưởng khác của NLĐ. Tổ trưởng cũng là người gần gũi, lắng nghe những tâm tư tình cảm, nguyện vọng của NLĐ. Ban lãnh đạo nông trường thường xuyên đến nơi ở và nơi làm việc để xem xét, hỗ trợ NLĐ về mọi mặt trong cuộc sống và trong công việc.
TCT và nông trường đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện cho công nhân đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tạo điều kiện học hỏi ở Hội thi Bàn tay vàng, bố trí lao động xuất sắc làm tổ trưởng sản xuất, tổ trưởng Công đoàn. Thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao đã tạo mối gắn kết giữa nông trường và NLĐ, giữa người địa phương và NLĐ dân tộc thiểu số. Đảm bảo thu nhập cho NLĐ, đa số bà con sau một năm làm việc đều có khoản tiền tiết kiệm gửi về quê sửa sang nhà cửa ở quê, nuôi con ăn học. Từ những việc làm cụ thể, thiết thực, công nhân lao động người đồng bào dân tộc thiểu số đã gắn bó với đơn vị. Và bà con tiếp tục là người giới thiệu thêm NLĐ cho TCT. Để có được kết quả như ngày hôm nay, không phải là một sớm một chiều mà đó là cả một hành trình nỗ lực trong con đường thu tuyển và giữ chân NLĐ ở lại với đơn vị.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>