Thông tin hội viên

Ứng dụng bảng tính Google sheets trong quản lý sản lượng

10/07/2023

Xuất phát từ nhu cầu cần báo cáo nhanh chóng, gọn gàng và tiện lợi, đồng thời chính xác về mặt số liệu, anh Vi Văn Toàn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao kỹ thuật Tây Nguyên (Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam) đã sử dụng ứng dụng Google sheets (tạm dịch bảng tính) vào công tác quản lý sản lượng mủ cao su một cách hiệu quả.  


Đáp ứng tức thời công tác theo dõi sản lượng
Cán bộ kỹ thuật của Cao su Chư Mom Ray tại buổi tập huấn
ứng dụng nhập dữ liệu do anh Vi Văn Toàn chủ trì
Ý tưởng được anh Toàn đặt ra từ năm 2018, đến năm 2019 bắt đầu chạy thử nghiệm ở các tổ sản xuất của trạm thực nghiệm thuộc trung tâm. Công việc nhập dữ liệu khá tốt, nhưng để đảm bảo an toàn cho dữ liệu thì chưa tốt. Vì thế, đến nay anh Toàn cho rằng “vẫn đang trong tiến trình hoàn thành sản phẩm”. Ưu điểm của ứng dụng này là nhanh, gọn và quyền truy cập lớn nên mọi người trong nhóm đều có thể sử dụng. Tuy nhiên, sẽ tùy theo từng đối tượng theo nhóm gồm nhóm chỉ xem, nhóm nhập dữ liệu và nhóm có thể chỉnh sửa số liệu. Hiện tại, ứng dụng này mới chỉ triển khai ở quy mô của trung tâm. Đơn vị đầu tiên được trung tâm giới thiệu, tập huấn cho đội ngũ cán bộ cấp công ty là Cao su Chư Mom Ray.
Là người ứng dụng và phát triển chương trình này vào công tác quản lý sản lượng, nhập số liệu về khai thác mủ của người công nhân, nhưng anh Toàn vẫn tâm đắc ở phần báo cáo trong lĩnh vực nông nghiệp và tham gia vào việc chấm điểm cho Hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ từ cấp công ty cho đến cấp ngành. Anh Toàn chia sẻ: “Khi làm báo cáo nông nghiệp, nhân viên kỹ thuật phải xử lý số liệu trước mới ra được báo cáo, còn bây giờ khi ứng dụng chương trình này các công thức sẽ chạy ra báo cáo, gần như trọn vẹn. Báo cáo chỉ thể hiện số liệu, không có sự đánh giá. Báo cáo sẽ thông tin đến mọi người những số liệu về một lô cao su nào đó về sản lượng, năng suất, năm trồng, chế độ cạo…tất cả các thông tin liên quan đến lô đó sẽ được hiển thị một cách đầy đủ”. Hiện nay, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đang quản lý số liệu hàng ngày, đơn vị báo cáo phải lấy số liệu từ cơ sở để tổng hợp, nên rất vất vả, khi ứng dụng được triển khai chỉ cần cấp dưới nhập số liệu thì cấp trên đã có số liệu, nhân viên cấp dưới không phải gửi hàng ngày như trước đây, anh Toàn cho biết thêm.
Có thể triển khai trên nhiều lĩnh vực
Theo anh Toàn, ứng dụng này có thể triển khai ở nhiều lĩnh vực khác như quản lý vườn ươm, vườn nhân cao su hay bộ phận hành chính trong quản lý các văn bản… Đây là một trong những nội dung chuyển đổi số theo yêu cầu của VRG rất hiệu quả.
Ứng dụng này nếu để tất cả các tổ sản xuất có thể can thiệp vào số liệu của nhau thì dễ xảy ra trường hợp người khác sửa số liệu. Vì thế, điều lo lắng ở chỗ, cấp quyền truy cập chỉnh sửa cho người lạ sẽ dễ bị can thiệp thay đổi dữ liệu. Khi đó hệ thống có thể bị rối loạn, số liệu chung sẽ khác, không trùng khớp với kết quả theo biên bản giao nhận mủ. Với ứng dụng này, người quản lý cần làm “một cái khóa” mang tính bảo mật cho đơn vị, anh Toàn cho hay. Cũng theo anh Toàn, tính hiệu quả của ứng dụng này thể hiện ưu việt ở chỗ, người quản lý có thể quản lý đến tận người công nhân, người công nhân có đi cạo hay không, tổ trưởng có báo cáo hay không đều theo dõi được thông qua số liệu được cơ sở cập nhật. Ngoài ra là hiệu quả về thời gian, nhanh hơn, tiện lợi hơn và báo cáo này gần như là báo cáo tự động.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>