Bình luận về quyết định trợ giá cao su của Chính phủ Thái Lan, tờ "Thời báo Tài chính" (Anh) cho rằng mối quan ngại về tình trạng suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc đang tác động tiêu cực đến khu vực Đông Nam Á, nhất là Thái Lan.
Nhiều nông dân trồng cao su ở miền Nam Thái Lan đã phải gánh chịu thiệt hại và thua lỗ nặng nề do giá giảm mạnh. Một số người còn dọa sẽ biểu tình, tuần hành và tuyệt thực để thể hiện nỗi bức xúc của mình.
Trước tình hình này, Chính phủ Thái Lan cam kết sẽ mua mủ cao su của nông dân với giá cao hơn giá thị trường. Nguyên nhân được cho là những quan ngại về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đã khiến giá cao su trên thị trường thế giới sụt giảm xuống mức thấp nhất trong vòng bảy năm qua.
Đây được coi là một vấn đề nghiêm trọng đối với giới chức Thái Lan khi họ nỗ lực tìm kiếm và duy trì sự ủng hộ từ phía nông dân ở miền Nam.
Tiến sỹ Chayo Trangadisaikul – Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan – cho rằng tình trạng trì trệ trong ngành chế tạo ô tô Trung Quốc khiến nhu cầu tiêu thụ cao su Thái Lan giảm nhanh chóng. Thực trạng này có thể kéo dài trong một vài năm hoặc lâu hơn.
Theo ông Chayo, việc thu mua mủ cao su theo giá cao hơn giá thị trường mà Chính phủ Thái Lan cam kết chỉ có thể giải quyết tạm thời những khó khăn hiện nay. Về lâu dài, đây chưa phải là một giải pháp cho vấn đề cao su.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha kêu gọi nông dân trồng cao su cần phải bình tĩnh. Ông cũng cam kết chính phủ sẽ nỗ lực trợ giá cao su và triển khai thêm nhiều dự án công cộng để tăng mức cầu về sản phẩm cao su. Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ bắt đầu kế hoạch thu mua mủ cao su từ tuần tới.
Trong giai đoạn từ năm 2010 – 2013, nông dân Thái Lan đã ồ ạt mở rộng diện tích trồng cây cao su do ngành công nghiệp chế tạo ôtô ở Trung Quốc tăng trưởng mạnh, đẩy mức cầu lên cao. Giờ đây khi giá giảm, họ phải chịu nhiều thua lỗ.
Theo một số ý kiến, giá cao su ít nhất phải đạt mức 45 baht/kg (khoảng 1,24 USD/kg), thì mới đảm bảo chi phí sản xuất cho nông dân Thái Lan./.