Tin tức

Thanh Hóa: Các huyện miền núi đẩy mạnh phát triển cây công nghiệp

24/08/2020

Phát huy tiềm năng, thế mạnh từ đất đai và nguồn lao động dồi dào, những năm qua, các huyện miền núi trong tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, vận động, hướng dẫn Nhân dân tập trung thâm canh diện tích cây công nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, giúp người nông dân vươn lên thoát nghèo nhanh và bền vững.


Người dân xã Thành Tân (Thạch Thành) khai thác mủ cao su

Khu vực trung du, miền núi xứ Thanh có diện tích tự nhiên khá lớn (chiếm 73,3% diện tích toàn tỉnh), khí hậu, thổ nhưỡng phong phú, đa dạng, là điều kiện thuận lợi để các loại cây công nghiệp dài ngày phát triển. Từ tiềm năng đó, các huyện miền núi đã có chủ trương và ban hành những chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư phù hợp đối với các nhà đầu tư. Theo đó, cây công nghiệp lâu năm được đẩy mạnh theo hướng mở rộng quy mô diện tích hợp lý ở những vùng có điều kiện; tập trung cho đầu tư thâm canh tăng năng suất, phát triển các vùng nguyên liệu có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây công nghiệp có hiệu quả kinh tế cao hơn, như: cao su, dược liệu... theo mô hình tập trung. Điển hình như các huyện Như Thanh, Như Xuân, Thường Xuân, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh cây công nghiệp, phục vụ chế biến. Trong đó, đã phát triển được trên 130.000 ha rừng sản xuất tập trung, chủ yếu là cây keo, xoan, lát. Theo tính toán, mỗi năm có thể cho khai thác khoảng 10.000 ha, sản lượng bình quân 720.000m3/năm, giá trị sản xuất khoảng 1.017 tỷ đồng, chiếm 54,48% giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp; giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ 84,72 triệu USD; giải quyết việc làm cho trên 100.000 lao động địa phương.
Ngoài ra, trên địa bàn các huyện Thường Xuân, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước có trên 131.000 ha tre, luồng. Sản lượng khai thác hàng năm khoảng 60,9 triệu cây luồng; 81.243 tấn nguyên liệu giấy ngoài gỗ, phục vụ xuất khẩu và chế biến... giá trị sản xuất 592,9 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 100.000 lao động. Đối với những cây công nghiệp hàng năm, đã hình thành các vùng chuyên canh cây mía đường với diện tích khoảng 24.400 ha, sắn nguyên liệu 13.500 ha, cây gai xanh khoảng 65 ha... tập trung ở các huyện Nông Cống, Như Thanh, Như Xuân, Thạch Thành, Thọ Xuân, Cẩm Thủy, Thường Xuân, Ngọc Lặc, Bá Thước có thể cung cấp nguồn nguyên liệu chế biến tại chỗ cho các nhà máy đóng trên địa bàn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc.
Cùng với đẩy mạnh phát triển cây công nghiệp, các huyện miền núi luôn xác định thu hút đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng là một trong những cơ sở quan trọng, tạo động lực cho phát triển. Cùng với đó là nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu, thu hút những dự án đầu tư chế biến lâm sản theo chiều sâu, hướng tới xuất khẩu là những giải pháp trọng tâm, chủ đạo. Đồng thời, khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa, rau màu năng suất thấp sang trồng các loại cây công nghiệp hiệu quả kinh tế cao hơn. Tổ chức tập huấn chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất cho người dân...
Từ việc phát huy những lợi thế, tiềm năng, việc hoạch định mục tiêu, chiến lược trong tương lai thực sự là những bước đi vững chắc, đúng hướng, giúp cho các huyện miền núi trong tỉnh phát triển nhanh, bền vững.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>