Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay, các giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) đã hình thành nhưng còn chưa được như mong muốn. Tuy nhiên tin mừng là các doanh nghiệp Việt Nam đã có những thành công ban đầu, khi bắt đầu xây dựng được mô hình kinh doanh TMĐT xuyên biên giới tại EU. Năm 2022, dự báo doanh số TMĐT xuyên biên giới của 16 nước lớn nhất EU sẽ đạt 220 tỷ Euro, tức là tăng gấp đôi so với doanh số năm 2019 (108 tỷ Euro). Doanh nghiệp Việt Nam có thể thấy TMĐT xuyên biên giới đang là cơ hội ngày càng lớn tại châu Âu và cơ hội thành công trên thị trường này rất lớn, nếu tiếp cận một cách bài bản và có chiến lược dài hạn. Theo quy định của EU, các giao dịch mua bán hàng hóa trên nền tảng TMĐT giữa Việt Nam và EU sắp tới dù vẫn phải trả thuế GTGT nhưng cũng sẽ được miễn thuế nhập khẩu nếu lô hàng giá trị dưới 150 Euro. Tất nhiên nhà cung ứng sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hàng hóa của mình trước người tiêu dùng EU, theo các quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của EU.
Đại diện Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển bán hàng online hoặc qua sàn giao dịch TMĐT tới người tiêu dùng EU cần đăng ký kinh doanh ở một nước EU và nên khai báo các giao dịch theo trang web IOSS của từng nước thành viên. “Nếu nhà cung ứng TMĐT không có trụ sở tại một nước EU thì cần phải chỉ định đại diện đăng ký tại EU để thực hiện các thủ tục và nghĩa vụ thuế GTGT. Như vậy nếu 1 sàn giao dịch điện tử nào của Việt Nam có chiến lược cung ứng dịch vụ đến EU đều phải tìm một đối tác đại diện tại EU để thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT của mình”, đại diện Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cho biết.
Có thể nói, TMĐT xuyên biên giới sẽ mở ra câu chuyện xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản nói chung và các sản phẩm khác vốn là thế mạnh của Việt Nam, nhất là khi Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực. Với lợi thế của TMĐT có thể kết nối trực tiếp từ người bán tới người tiêu dùng, do vậy phạm vi nhóm hàng, sản phẩm và đối tượng bán hàng sẽ được mở rộng hơn trước. Cơ hội này không chỉ cho doanh nghiệp xuất khẩu nói chung mà cho cả các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp địa phương, hợp tác xã, các cá nhân có sản phẩm chất lượng tốt và biết vận dụng TMĐT xuyên biên giới. Tuy nhiên, cơ hội bao giờ cũng đi kèm với thách thức. Đó là những khó khăn trong vận chuyển, bảo quản hàng hoá, khâu thông quan hàng hoá, hiểu biết về thủ tục xuất nhập khẩu và đặc biệt là đối với lĩnh vực TMĐT xuyên biên giới. Đây chính là những vấn đề mà doanh nghiệp, các nhà bán hàng Việt Nam cần phải tìm hiểu và nắm bắt.