Tin tức >> Tin cao su ngoài nước

Ngân hàng trung ương châu Âu tăng lãi suất

19/12/2022

Sau động thái tăng lãi suất của Hoa Kỳ, ngày 15/12/2022, các ngân hàng trung ương lớn thế giới cũng đã có những bước đi tương tự. 


Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất lần thứ tư liên tiếp vào ngày 15/12 với mức tăng 50 điểm cơ bản lên mức 2%. Ngay trước đó, Ngân hàng Trung ương Anh đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm, từ 3% lên 3,5% – mức lãi suất cơ bản cao nhất của ngân hàng này trong 14 năm qua. Quyết định trên đúng với các dự báo của giới chuyên gia và phản ánh mức tăng tương tự của Ngân hàng trung ương Anh (BOE) cùng ngày và của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm 14/12. Tuy nhiên, giống BOE và FED, ECB cũng bóng gió về khả năng tiếp tục tăng lãi suất cho vay nhằm thuyết phục các nhà đầu tư rằng ngân hàng nghiêm túc trong cuộc chiến chống lạm phát. Dự báo lạm phát có thể vẫn cao hơn mục tiêu 2% của ECB trong suốt năm 2025. Thông báo của ECB nêu rõ: "Hội đồng điều hành cho rằng lãi suất vẫn phải tăng với tốc độ bền vững tới mức đủ để đảm bảo lạm phát trở lại mục tiêu trong trung hạn là 2% đúng lúc".
Ngân hàng Trung ương châu Âu đã tăng lãi suất
lần thứ 4 liên tiếp trong ngày 15/12 (Ảnh: T.L)
Sau 6 năm áp dụng chính sách lãi suất bằng 0, ECB đã khởi xướng cuộc thay đổi về chính sách lãi suất. Do hậu quả liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine, giá năng lượng tăng cao và lạm phát hai con số, ECB lần đầu tiên tăng lãi suất cơ bản lên 0,5% vào ngày 27/7. Trong các bước tăng lãi suất tiếp theo, lãi suất được điều chỉnh tăng lên 1,25% vào ngày 14/9 và lên 2% vào ngày 2/11. Mức tăng mới nhất được đưa ra trong bối cảnh lạm phát ở châu Âu vẫn ở mức cao, tới 10% trong tháng 11 vừa qua, trong khi ở Mỹ, tỷ lệ này đã giảm xuống 7,1%.
Tại Anh, đây là lần tăng lãi suất thứ 9 nhằm kiềm chế lạm phát. Lạm phát cao kỷ lục trong 4 thập kỷ đã ghi nhận tại nước này hồi tháng 10 vừa qua. Theo thông báo của Ngân hàng Trung ương Anh, “thị trường lao động vẫn thắt chặt và có bằng chứng cho thấy áp lực lạm phát xảy ra lâu hơn. Thực thế này đòi hỏi một phản ứng chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn nữa”. Giới chức tài chính Anh cho biết, mặc dù quyết định tăng lãi suất có thể có những ảnh hưởng tiêu cực nhưng ưu tiên của Anh là kiểm soát lạm phát càng sớm càng tốt. Ngay sau quyết định tăng lãi suất này, đồng bảng Anh đã có chút giảm giá so với đồng USD. Hiện 1 đồng bảng Anh có giá trị bằng 1,23 USD.
Quyết định của ECB đã vấp phải sự chỉ trích của các quan chức Italy. Họ cho rằng ECB đang gây áp lực tài chính lên một trong những quốc gia mắc nợ nhiều nhất Khu vực đồng euro (Eurozone). Phát biểu tại một sự kiện ở Rome, Bộ trưởng Kinh tế Italy Giancarlo Giorgetti nhận định: “Chúng tôi đã được hưởng lợi từ môi trường lãi suất thuận lợi ở mức gần bằng hoặc dưới 0, nhưng điều này đang thay đổi.” Trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao ảnh hưởng đến nền kinh tế, Italy đã dành khoảng 21 tỷ euro trong kế hoạch ngân sách năm 2023, hiện đang chờ Quốc hội thông qua, để giúp các công ty và gia đình chi trả hóa đơn tiền điện và khí đốt trong quý đầu tiên của năm tới.

Thế giới hôm nay, nguồn: https://vtv.vn/the-gioi/cac-ngan-hang-trung-uong-chau-au-tang-lai-suat-20221216003719193.htm, ngày 16/12/2022 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>