Hoạt động >> Hỗ trợ Hội viên

Tham dự Hội thảo “Ngành cao su sau cuộc khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19: Triển vọng và các biện pháp” của Hội nghị Cao su toàn cầu (GRC) 2020

10/07/2020

Ngày 17/6/2020, trong khuôn khổ các sự kiện tiền Hội nghị Cao su toàn cầu (GRC) 2020, Tập đoàn Confexhub đã tổ chức Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Ngành cao su sau cuộc khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19: Triển vọng và các biện pháp”.


Hội thảo do Giáo sư, Tiến sỹ Ahmad B.Ibrahim điều phối với sự tham gia của các diễn giả: Tiến sỹ John Baffes – Chuyên gia kinh tế cấp cao Ngân hàng thế giới (World Bank), ông Jom Jacob – Chuyên gia kinh tế cấp cao Hiệp hội Các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), và ông Dar Wong – Chuyên gia đầu tư trưởng Công ty Tư vấn ALA. Văn phòng Hiệp hội đã cử đại diện tham dự vào Hội thảo này để kịp thời nắm bắt thông tin cập nhật và phổ biến đến Hội viên về xu hướng, triển vọng của ngành cao su sau cuộc khủng hoảng từ dịch Covid-19.

Với tầm nhìn tổng quan về thị trường hàng hóa toàn cầu, ông John Baffes, Chuyên gia kinh tế cấp cao Ngân hàng thế giới, cho biết dịch bệnh Covid-19 đã đem đến một cú sốc lớn cho nền kinh tế toàn cầu, đẩy nhiều quốc gia vào suy thoái sâu và tình trạng này sẽ càng trầm trọng hơn nếu việc kiểm soát dịch bệnh kéo dài hoặc các khủng hoảng tài chính dẫn đến rủi ro mất khả năng thanh toán dây chuyền. Các chuyên gia đưa ra 4 mô hình hồi phục kinh tế dựa trên các giả định bao gồm mô hình chữ V (dự báo cơ bản), chữ U (xảy ra khi việc xóa bỏ các biện pháp hạn chế kéo dài), chữ W (khi có làn sóng dịch bệnh Covid lần thứ 2), và chữ L (khi việc tìm kiếm ra vắc xin hoặc phác đồ điều trị kéo dài). Trong dài hạn, dịch bệnh sẽ khiến chi phí vận chuyển gia tăng, chuỗi cung ứng thay đổi, gia tăng sự thay thế giữa các hàng hóa, hành vi người tiêu dùng thay đổi và có các phản ứng đối với chính sách hạn chế.
Tập trung vào ngành cao su, ông Jom Jacob nhấn mạnh, tiêu thụ CSTN toàn cầu sẽ giảm 6,0% trong năm 2020 với mức giảm 19% trong quý I/2020 và dự kiến giảm 12% từ tháng 1 – 8/2020. Giá cao su đã giảm khoảng 25% kể từ giữa tháng 01/2020 do nhu cầu giảm bất thường, sự sụp đổ của nền kinh tế thế giới và triển vọng về nhu cầu đã ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, kéo theo sự sụp đổ của cổ phiếu, dầu thô và các hàng hóa khác. Trong ngắn hạn, các chính sách kích thích kinh tế như ưu đãi thuế, vay không lãi suất, trợ cấp,... sẽ được thực hiện để thúc đẩy doanh số xe ô tô, qua đó thúc đẩy nhu cầu lốp xe và cao su thiên nhiên. Trong dài hạn, đại dịch Covid-19 là một cơ hội để ngành cao su hiện đại hóa tất cả các nhóm ngành phụ theo hướng phù hợp cho tương lai. Đây cũng là cơ hội để chuyển dịch sang một nền kinh tế xanh cho ngành. Ông cũng nhấn mạnh, triển vọng tương lai của ngành cao su phụ thuộc vào khả năng tận dụng các cơ hội từ cuộc khủng hoảng này.
Ở góc độ nhà đầu tư, ông Dar Wong cũng chia sẻ các yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến ngành CSTN trên toàn cầu, bao gồm cuộc khủng hoảng Covid-19 trên toàn cầu, cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11/2020 và lãi suất quỹ liên bang FED đã giảm xuống dưới 0,25%. Bên cạnh đó, nợ công tại châu Âu đang gia tăng khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu phải ban hành gói kích thích kinh tế trị giá 750 tỷ Euro. Bên cạnh đó, kinh tế Anh giảm mạnh 20,4% trong tháng 4. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang tăng trưởng chậm lại trong năm 2020. Ngân hàng thế giới dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm 5,2% trong khi con số này là 3,3% theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế. Ngành cao su cũng dịch chuyển và biến động theo xu hướng dầu thô trong năm 2020. Ông dự báo giá cao su sẽ vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi tâm lý thị trường yếu và trong trường hợp xấu nhất, giá có thể chạm đáy chỉ còn 1 USD/kg.
Nhìn chung, sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh, gây ra sự gián đoạn kinh tế lớn và nền kinh tế cao su cũng không ngoại lệ. Các chuyên gia đều nhận định rằng nhu cầu yếu dẫn đến giá cao su thế giới giảm và mức tồn kho cao lại càng gia tăng áp lực lên giá. Cho đến nay, chưa có dấu hiệu tích cực rằng giá cao su sẽ trở lại bình thường hoặc có xu hướng tăng. Triển vọng ngành cao su năm 2020 phụ thuộc rất lớn vào mức độ hiệu quả kiểm soát dịch Covid-19 và tốc độ phục hồi kinh tế của các quốc gia trên thế giới.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (Hiền Bùi)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>