Quang cảnh buổi họp
Tại buổi họp, Bộ NN&PTNT đã giao Cục Lâm nghiệp là đầu mối phụ trách các dự án các-bon lâm nghiệp. Dự án bao gồm Quỹ đối tác Lâm nghiệp FCPF, LEAF/Emergent, JICA/Green Climate Fund và mục tiêu là sản sinh tín chỉ các-bon nhằm đóng góp cho Quốc gia tự Quyết định (NDC) – mức phát thải quốc gia tự nguyện đóng góp với quốc tế trong điều kiện có hỗ trợ từ bên ngoài. NDC được xem là nhiệm vụ quan trọng nhất mà Việt Nam phải ưu tiên hoàn thành trước khi cho phép các giao dịch/buôn bán tín chỉ các-bon được diễn ra. Điểm đáng chú ý là mức phát thải quốc gia được phân bổ cho các ngành/lĩnh vực sản xuất chính. Ví dụ ngành nông nghiệp sẽ tự quyết định các hoạt động giảm phát thải trong phạm vi của mình, đảm bảo trách nhiệm đóng góp theo quy định.
Thị trường các-bon được xem là giải pháp và chìa khóa thực hiện mục tiêu Net Zero - Phát thải ròng bằng 0 của nước ta vào năm 2025. Thị trường này vận hành theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm” phải trả mức phí bù đắp cho lượng phát thải ra môi trường và tuân theo nguyên tắc thuận mua - vừa bán. Qua đó, các nỗ lực về giải pháp giảm phát thải, hấp thụ các-bon, giải pháp xanh sẽ được áp dụng trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Về tín chỉ các-bon lâm nghiệp, dự kiến sẽ có 2 nhóm tín chỉ. Nhóm tín chỉ do quốc tế cấp nếu muốn bán ở thị trường nội địa cần được thẩm định bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) trước khi bán ra. Với nhóm tín chỉ do nội địa cấp có thể được lưu hành ngay trong nội địa. Bộ NN&PTNT đề xuất phát triển loại tín chỉ nội địa gọi là “tín chỉ rừng Việt Nam” để bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp nội địa.
Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam sẽ nhận đầu tư từ tất cả quỹ liên quan đến thị trường các-bon lâm nghiệp và có đóng góp vào NDC quốc gia. Với thị trường các-bon hiện tại mới chỉ thực hiện được trên cơ sở tự nguyện và chuyển nhượng cho đối tác nước ngoài theo các kí kết. Hiện tại, Việt Nam đã có dự án bán được tín chỉ các-bon ra quốc tế. Dự án thuộc Thỏa thuận thanh toán giảm thiểu phát thải (ERPA) với Quỹ Đối tác các-bon rừng thuộc Ngân hàng Thế giới ký vào tháng 10/2020. Theo thỏa thuận này, Việt Nam sẽ giảm 10,3 triệu tấn khí thải các-bon từ sáu tỉnh Bắc Trung bộ cho đến năm 2025 để nhận 51,5 triệu USD, tức mỗi tín chỉ các-bon sẽ là 1 tấn khí thải và trị giá 5 USD.
Bộ NN&PTNT đóng vai trò chủ sở hữu quyền các-bon những khu rừng tự nhiên ở các tỉnh khác nhau của khu vực Bắc Trung Bộ. Sau khi nhận được thanh toán từ Ngân hàng thế giới đối với Quỹ bảo vệ phát triển rừng Việt Nam sẽ giải ngân số tiền để chia cho các hộ nông dân, chủ sở hữu trồng và bảo vệ rừng. Dự án này đã thừa tín chỉ giao cho đối tác nhưng vẫn là quyền sở hữu của nhà nước nên có thể ưu tiên cung cấp tiếp cho Ngân hàng Thế giới mua (nếu có nhu cầu) hoặc có thể bán ra ngoài cho các đơn vị khác.
Chính phủ Việt Nam đang sửa đổi Nghị định 156 về chi trả dịch vụ môi trường rừng, trong đó đưa hợp phần dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các-bon (là một trong năm loại hình dịch vụ được quy định trong Luật Lâm nghiệp) vào Nghị định sửa đổi. Hiện bản thảo Nghị định đang ở vòng cuối lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Nếu nghị định này được thông qua, bức tranh về các dự án các-bon lâm nghiệp sẽ minh bạch và rõ ràng, với một số nội dung chính như sau:
Thứ nhất, tất cả các dự án các-bon lâm nghiệp từ nay tới 2028 sẽ được coi là dự án thí điểm cho đến khi thị trường các-bon chính thức được vận hành tại Việt Nam.
Thứ hai, quyền các-bon đối với các diện tích rừng tự nhiên/rừng do nhà nước đầu tư sẽ do nhà nước nắm giữ và lợi ích thu được từ tín chỉ các-bon sẽ do nhà nước quy định.
Thứ ba, quyền các-bon/lợi ích thu được từ các-bon từ các diện tích rừng trồng do khối tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài tự đầu tư sẽ thuộc về khối tư nhân/nhà đầu tư kiểm soát và quản lý.
Thứ tư, các dự án trồng xen đối với cà phê, cà phê giảm phát thải với đầu tư của tư nhân, quyền các-bon thuộc nhà đầu tư (ví dụ hộ trồng cà phê, công ty liên kết với hộ).
Bộ NN&PTNT đang tham mưu cho Thủ tướng về phát triển thị trường các-bon lâm nghiệp theo hướng dự án trong nội tỉnh do UBND tỉnh quyết định và dự án liên tỉnh do Bộ NN&PTNT quyết định việc chuyển nhượng. Bộ trưởng đề xuất các bên liên quan cần đẩy mạnh truyền thông chính sách; các Cục, Vụ thành lập các nhóm thông tin nhanh để trao đổi, cập nhật kịp thời với các địa phương, doanh nghiệp, Hiệp hội, đối tác quốc tế,… Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị các Quỹ/NGO giúp Bộ tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ từ trung ương đến địa phương để thích ứng với các yêu cầu mới của quá trình chuyển đổi xanh; tăng cường tư vấn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cho các hoạt động liên quan.
Một số nhà đầu tư nước ngoài đang tìm hiểu cơ hội thị trường các-bon lâm nghiệp tại Việt Nam, điển hình là công ty SK Korea và mô hình tại Quảng Nam hoặc nhiều địa phương có diện tích đất trồng rừng đang kiến nghị Thủ tướng cho thí điểm nhận đầu tư và chuyển nhượng tín chỉ các-bon. Tuy nhiên, đề xuất này đang gặp khó khăn do Việt Nam hiện chưa hoàn thiện thể chế dù có Luật và Nghị định về thị trường bắt buộc, trong khi thị trường tự nguyện vẫn thiếu khung pháp lý rõ ràng, đặc biệt là về quyền các-bon. Ngoài ra, hiện vẫn chưa rõ tỷ lệ đóng góp cụ thể cho NDC, nên kiến nghị với Thủ tướng chỉ đạo Bộ TN&MT sớm đưa ra mức tỷ lệ đóng góp hợp lý. Bên cạnh đó, rừng là tài sản quốc gia nên chưa rõ cơ chế nào có thể áp dụng để chỉ định nhà đầu tư (trồng rừng, cải tạo rừng) sẽ được mua lượng tín chỉ tạo ra. Thủ tướng đang chỉ đạo Bộ NN&PTNT nghiên cứu nhưng chưa ra được giải pháp. Nếu trên góc độ rừng trồng, quan điểm Cục Lâm nghiệp là thuộc quyền của chủ rừng và tự thỏa thuận, còn rừng tự nhiên đang gặp khó khăn về đưa phương án phù hợp.Về nguyên tắc, khi Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý đối với thị trường các-bon tự nguyện, đề xuất các dự án có thể thực hiện theo hình thức thí điểm, không nên hạn chế vì các rào cản về pháp luật, quy định, nếu không sẽ bỏ lỡ những cơ hội tiềm năng.
Các đại biểu đang thảo luận về tín chỉ các-bon
Các dự án các-bon nông – lâm nghiệp sẽ do Bộ NN&PTNT quyết định, trên cơ sở lấy ý kiến của Bộ TN&MT. Trong lúc chưa hoàn thiện thể chế thì các bên có thẩm quyền phải có ý kiến đối với các hoạt động/dự án trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích quốc gia, DN và người dân. Lấy ví dụ như bán tín chỉ rừng thì sẽ mang lại lợi ích gì cho Chính phủ Việt Nam, nhà đầu tư và chủ rừng? Đây là câu chuyện mà các Tổ chức phát triển có thể kết hợp cùng Cục biến đổi khí hậu, Cục Lâm nghiệp để nghiên cứu và đưa ra khuyến nghị cho các Bộ và Chính phủ Việt Nam.
Dự kiến, tháng 8/2023, Bộ NN&PTNT sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị về các-bon rừng để cập nhật, phổ biến thông tin về tín chỉ các-bon cũng như hướng dẫn phần chia sẻ lợi ích thu được từ tín chỉ các-bon giữa nhà đầu tư và phần trách nhiệm đóng góp NDC.
Văn phòng HHCSVN (Thanh Ngân tổng hợp từ báo cáo của Ông Nguyễn Viết Tượng, Phó Chủ tịch HHCSVN)