Ngày 29/6/2021, Tổ chức TÜV SÜD Việt Nam đã tổ chức buổi chia sẻ trực tuyến về cập nhật phiên bản 3.1 cho tiêu chuẩn FSC nhằm giúp doanh nghiệp nắm bắt những thay đổi trong phiên bản mới này. Nội dung chính của chia sẻ tập trung vào hai nội dung chính là nắm bắt một số thay đổi của phiên bản 3.0 so với phiên bản 3.1 tiêu chuẩn FSC CoC và cập nhật yêu cầu thay đổi về các yêu cầu cơ bản về lao động tại điều khoản 7 do ông Trần Minh Tài – Đánh giá viên trưởng, Bộ phận Chứng nhận, TÜV SÜD Việt Nam chia sẻ.
Phiên bản mới (FSC-STD-40-004 phiên bản 3-1) áp dụng cho chuỗi cung ứng, có hiệu lực từ tháng 9/2021 với thời gian chuyển đổi đến 31/12/2022. Về thay đổi cấu trúc tiêu chuẩn, 2 thay đổi cơ bản nằm ở việc thay đổi một số thuộc nội dung 1.Hệ thống quản lý CoC và cập nhật nội dung mới 7. Yêu cầu lao động cơ bản của FSC. Ngoài ra, những thay đổi lớn nàm ở các Phụ lục, bao gồm Phụ lục C (Ví dụ về thành phần sản phẩm FSC cần chứng nhận), Phụ lục D (Yêu cầu về lao động cơ bản và bảng tự đánh giá) và Phụ lục E (Thuật ngữ và định nghĩa).
Cụ thể, Điều 1.5 quy định Công ty phải thực hiện bảng tuyên bố chính sách bao gồm các yêu cầu lao động cơ bản. Điều 7.1 liên quan đến yếu tố luật sở tại của các quốc gia và áp dụng cho các quốc gia khác nhau. Tại Việt Nam, điều này liên quan đến luật lao động số 45/2019/QH có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 với 2 chương quan trọng là chương XI (Lao động trẻ em) và chương V (Tự do hiệp hội và thương lượng tập thể) và một số hướng dẫn ngoài luật. Điều 7.2 quy định về Công ty không sử dụng lao động trẻ em, theo đó trẻ em từ 15 – 18 tuổi được cho phép sử dụng với công việc có mức độ nhẹ nhàng, và thời gian làm việc không quá 8 tiếng/ngày. Điều 7.3 quy định tổ chức phải loại bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức và bắt buộc, cụ thể các mối quan hệ việc làm là tự nguyện và dựa trên sự đồng thuận của hai bên, không có mối đe dọa của một hình phạt. Điều 7.4 quy định tổ chức phải đảm bảo rằng không có sự phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp, ví dụ cơ hội nghề nghiệp cho các thành phần lao động khác nhau, yếu tố lương bổng công bằng giữa người lao động, phân biệt về giới tính trong tuyển dụng Điều 7.5 quy định Doanh nghiệp phải tôn trọng quyền tự do hiệp hội và quyền thương lượng tập thể. Đặc biệt là vai trò của Công đoàn trong viêc đảm quyền lợi của người lao động thông qua các cuộc họp hàng quý hàng năm.
Về thay đổi trong các phụ lục, theo đó trong phụ lục D, 2 nhân tố chính thực hiện bởi doanh nghiệp là Bảng Tuyên bố chính sách về yêu cầu lao động cơ bản và Bảng tự đánh giá bởi doanh nghiệp (về Lao động trẻ em, Cưỡng bức lao động, Phân biệt đối xử, Quyền tự do hiệp hội).
Tại buổi chia sẻ, một số đại biểu cũng đưa ra một số thắc mắc về việc đánh giá từ xa. Theo đó, việc áp dụng đánh giá từ xa có thể áp dụng cho một số dây chuyền sản xuất đơn giản (<20 lao động), còn đối với những dây chuyền phức tạp (ví dụ có trên 100 lao động), việc đánh giá sẽ được áp dụng theo hình thức 50-50 (50% đánh giá từ xa, 50% đánh giá giám sát). Ngoài ra, về một số lưu ý khi thay đổi mục Hệ thống quản lý CoC, cần công khai các tuyên bố cho tổ chức kiểm định và việc thực hiện công bố tùy thuộc vào việc hoạch định rủi ro và cam kết của doanh nghiệp do quy mô của doanh nghiệp là khác nhau.
Kết thúc buổi chia sẻ, tổ chức TÜV SÜD Việt Nam cho biết nếu doanh nghiệp có nhu cầu, tổ chức TÜV SÜD có thể tổ chức các buổi chia sẻ tiếp theo nhằm kết nối doanh nghiệp và các chuyên gia để tìm hiểu về các chứng nhận mà doanh nghiệp quan tâm.
Văn phòng HHCS tổng hợp (Hiền Bùi)