Thông tin hội viên

Cao su Chư Păh: Phát triển cao su với yêu cầu bảo vệ môi trường

05/06/2023

Các thị trường lớn của ngành hàng cao su, nhất là châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản… ngày càng đòi hỏi và yêu cầu cao hơn về trách nhiệm với môi trường và xã hội.  


Nâng tầm giá trị sản phẩm và thương hiệu
Hiện nay, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh (viết tắt là Công ty Cao su Chư Păh) đóng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang quản lý trên 9.840 ha cao su, năng suất bình quân đạt trên 1,6 tấn/ha, sản lượng cao su thiên nhiên đạt trung bình hàng năm khoảng 8.000 tấn quy khô. Hàng năm, Công ty thu mua khoảng 100 tấn mủ. Sản phẩm của Công ty Cao su Chư Păh hiện đang được tiêu thụ trên thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, trong đó thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc. Các sản phẩm chính của Công ty là SVR 3L, SVR 5, SVR 10, SVR 20, RSS3. Ngoài sản phẩm mủ cao su thiên nhiên, trong những năm gần đây, gỗ cao su cũng có giá trị cao nhờ được sử dụng để sản xuất đồ gỗ nội thất và nhiều mặt hàng khác phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu và người tiêu dùng trong nước. Hàng năm, Công ty Cao su Chư Păh khai thác gỗ cao su bình quân từ 110 – 350 ha, được khai thác từ rừng cao su già cỗi trên 25 năm tuổi, sản lượng đạt khoảng 14.000 – 15.000 m3/năm.
Từ năm 1992, phát triển rừng bền vững trở thành chiến lược phát triển của Công ty Cao su Chư Păh nhằm góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đồng thời đáp ứng được các yêu cầu của các thị trường khó tính. “Quản lý rừng bền vững đã trở thành nguyên tắc đối với quản lý kinh doanh rừng, đồng thời cũng là “kim chỉ nam” trong nhiệm vụ quản lý kinh doanh rừng của Công ty. Công ty hoạt động không chỉ với mục tiêu kinh tế, sản xuất hàng hóa, mà là tổng hợp bao gồm vai trò bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ổn định phát triển về kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh. Công ty xác định kinh tế phát triển bền vững là kinh doanh rừng lâu dài, liên tục với năng suất, hiệu quả đạt được ngày càng cao, không thu hoạch thâm lạm vào vốn rừng. Duy trì và phát triển diện tích rừng, trữ lượng rừng; áp dụng các biện pháp kỹ thuật làm tăng năng suất rừng”, ông Phạm Đình Luyến, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Chư Păh khẳng định.
Đối với ngành cao su, những năm gần đây, ngoài yêu cầu về chất lượng sản phẩm, các thị trường lớn của ngành hàng cao su, đặc biệt các thị trường khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản… đòi hỏi yêu cầu cao hơn về trách nhiệm với môi trường và xã hội. Nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã công bố chính sách phát triển ngành cao su bền vững; tiêu thụ, mua bán, cung cấp nguyên liệu cao su thiên nhiên, gỗ cao su được quản lý bền vững và có chứng nhậnĐể đáp ứng yêu cầu về nguồn nguyên liệu bền vững và có chứng nhận, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã ban hành và triển khai chương trình phát triển bền vững nhằm đáp ứng các nguyên tắc phát triển bền vững.
Quản lý rừng cao su bền vững là “kim chỉ nam”
của Công ty Cao su Chư Păh. Ảnh: C.T.
Việc thực hiện quản lý rừng cao su bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình chứng chỉ quản lý rừng cao su bền vững mà VRG đề ra. Thực hiện nhiệm vụ này giúp cho các sản phẩm mủ và gỗ cao su của Công ty tiếp cận nhiều hơn các thị trường khó tính, luôn ổn định và tăng thêm sức cạnh tranh trên thị trường. “Để nâng cao giá trị các sản phẩm từ gỗ và mủ cao su, nâng tầm thương hiệu sản phẩm cũng như thương hiệu của doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo lộ trình đưa sản phẩm vào các thị trường xuất khẩu có đòi hỏi cao về nguồn gốc nguyên liệu, Công ty thực hiện phương án quản lý rừng bền vững để xin cấp chứng chỉ VFSC theo hệ thống chứng chỉ rừng PEFC. Công ty Cao su Chư Păh quyết tâm thực hiện quản lý rừng cao su bền vững theo Tiêu chuẩn quản lý bền vững của Việt Nam và các cam kết quốc tế”, ông Phạm Đình Luyến, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Chư Păh chia sẻ.
Phát triển bền vững trên 3 mặt trận
Toàn bộ diện tích rừng cao su của Công ty Cao su Chư Păh được tổ chức, phân chia thành 8 nông trường chuyên canh cao su. Ngoài ra, Công ty còn có Xí nghiệp Cơ điện – chế biến, bao gồm 2 nhà máy chế biến phục vụ chế biến mủ cao su và 1 trung tâm y tế phục vụ việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên và người dân trong khu vực.
Nhằm đảm bảo phát triển bền vững trên cả 3 mặt gồm kinh tế, xã hội và môi trường, từ năm 2020, Công ty Cao su Chư Păh triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý rừng bền vững theo VFCS/PEFC. Đến nay, Công ty đã được đánh giá và cấp chứng nhận diện tích rừng bền vững về quản lý rừng trồng cao su cá thể cho mục đích khai thác mủ và gỗ cao su. Đồng thời, Công ty đã áp dụng hệ thống chuỗi hành trình sản phẩm PEFC/CoC cho Văn phòng trung tâm, Nhà máy chế biến mủ cao su Chư Păh và Nhà máy chế biến mủ cao su Ia Der.
Về mục tiêu kinh tế, Công ty đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh rừng cao su đảm bảo năng suất và sản lượng ổn định, phấn đấu năng suất vườn cây trung bình đạt 1,79 tấn/ha/năm, sản lượng khai thác hàng năm đạt trên 7.700 tấn/năm. Tăng giá trị từ các hoạt động sản xuất kinh doanh rừng cao su nhằm tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống cán bộ công nhân viên của Công ty, đóng góp ổn định cho phát triển kinh tế địa phương. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong thâm canh và khai thác rừng cây cao su nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng mủ và gỗ cao su, hạ giá thành sản phẩm.
Song song đó, Công ty hướng đến mục tiêu phục vụ xã hội, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho cộng đồng dân cư địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn; cung cấp giống cây trồng chất lượng cao; hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ trồng và khai thác mủ cao su cho người dân trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng và sản lượng mủ, tạo ra sản phẩm hàng hoá, góp phần xoá đói giảm nghèo. Theo ông Phạm Đình Luyến, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Chư Păh, để giúp người dân địa phương có cuộc sống ổn định, Công ty hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm mủ cho người dân trồng cao su trên địa bàn; giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội tại địa phương; giảm thiểu các tác động tiêu cực của người dân tới rừng cao su. “Trải qua 47 năm xây dựng và trưởng thành, Công ty Cao su Chư Păh đã khẳng định vị thế và thương hiệu của mình trong ngành công nghiệp cao su Việt Nam.
Hoạt động của Công ty còn hướng đến giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trong quá trình thực hiện hoạt động trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng và khai thác gỗ. Bảo vệ và phục hồi môi trường, bảo vệ đất và nguồn nước thông qua các hoạt động quản lý và kinh doanh rừng cao su. Nâng cao tính đa dạng sinh học thông qua bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên, bảo vệ các hệ sinh thái tự. Tăng cường sử dụng cây bản địa có tác dụng phòng hộ và chắn gió, chắn bão để bảo vệ rừng cao su; tăng trưởng tính đa dạng sinh học, đồng thời đa dạng nguồn thu nhập từ kinh doanh rừng”.    

Đình Thung, nguồn: https://nongnghiep.vn/phat-trien-cao-su-voi-yeu-cau-bao-ve-moi-truong-d352751.html, ngày 02/6/2023 (HG trích dẫn)  



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>