Giấc mơ Ia H’Drai
Hà Thị Lận, nữ công nhân xuất sắc của Nông trường Suối Cát
(Công ty Cao su Sa Thầy, huyện Ia H'Drai). Ảnh: Kiên Trung.
Tết năm 2011 sẽ là cái tết không thể quên của đôi vợ chồng trẻ Lò Văn Dựa (người Thái, sinh năm 1987) và Hà Thị Lận (cô gái Mường, sinh năm 1988) ở đất Quan Sơn (tỉnh Thanh Hóa).
Anh Dựa, chị Lận có bà con làm công nhân Công ty Cao su Sa Thầy (huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum) về quê ăn Tết sau mấy năm xa nhà. Trong bữa cơm sum họp đầm ấm đầu năm, Lận và Dựa được nghe kể chuyện về một công ty cao su đang tuyển công nhân, được ký hợp đồng dài hạn, có chế độ chính sách, được đóng bảo hiểm và hết tuổi lao động sẽ có sổ lương hưu dưỡng già. Ngoài ra, công ty còn cho đất ở, hỗ trợ tiền làm nhà… Một điều như mơ đối với cặp vợ chồng trẻ đang vật lộn mưu sinh trên vùng quê nghèo miền Tây Thanh Hóa…
Ý định lên Kon Tum làm công nhân cao su như câu chuyện của người họ hàng kể, Lận không tin là sự thật, ngỡ đó là một giấc mơ ngoài tầm tay với. Hai vợ chồng nông dân, chưa biết gì về cây cao su, chưa biết cạo mủ, lại không có bằng cấp, không có kỹ năng nghề…, làm sao được công ty nhận? Cái khó nữa, đó là hai đứa con nhỏ, cả nhà bồng bế nhau vào vùng đất mới, cứ hiểu nôm na là “đi khai hoang”, lấy ai trông nom, chăm bẵm? Mà nếu có được nhận, liệu có làm được hay không? Trong khi đó, ở vùng quê miền núi nghèo khổ như quê Lận, vào được biên chế, nếu không có tiền chạy việc, thì cũng cần người quen dẫn dắt. Những lo lắng ấy cứ dày vò khiến vợ chồng chị Lận mất ăn mất ngủ. Nhưng cuối cùng, Dựa động viên vợ quyết tâm lên đường. Hai đứa trẻ để lại quê cho ông bà nuôi, đôi vợ chồng khăn gói vào Sa Thầy, vào với giấc mơ có tên “cây cao su” mà chưa bao giờ Lận được nhìn thấy ngoài đời nó như thế nào. Cao su Sa Thầy đón Hà Thị Lận, Lò Văn Dựa như thế…
Ngôi nhà thưng gỗ của vợ chồng Lận dựng trên ô đất Công ty Cao su Sa Thầy cấp cho công nhân, đúng như câu chuyện người họ hàng nói trong bữa cơm đầu năm, bề rộng 10m, chạy sâu 50m, đẹp đẽ và vuông vắn. Sau nhà, anh Dựa đã bỏ công khai khẩn, vỡ được một khoảng đất ở khu đồi dốc để trồng điều. Vườn điều sau gần chục năm đã sum suê. Dựa làm thêm khu chuồng heo thả hai con heo nái sinh sản, mỗi năm bán mấy lứa heo giống. Thêm con gà, con vịt chạy nhông nhông, có thêm cái ăn tươi.
Sau khi quốc lộ 14C được làm mới, thảm nhựa đẹp đẽ chạy qua vùng biên, đánh thức huyện mới Ia H’Drai. Nhà Lận thành đất mặt đường. Cả khu dân cư của xã Ia Dom gồm ba thôn, hầu hết đều quần cư bám theo quốc lộ bỗng trở nên sáng bừng.
Giám đốc Nông trường cao su Suối Cát, anh Hoàng Văn Nguyên, trên đường dẫn chúng tôi từ nông trường lên thăm nhà cô công nhân xuất sắc nhất của mình có tên Hà Thị Lận, khoe: “Vợ chồng nhà này đang có kế hoạch xây nhà, tiền nong đã chuẩn bị cả, nhưng còn đang đợi vì chưa được tuổi. Ở Nông trường Suối Cát, cô Lận là điển hình xuất sắc, giỏi việc công ty, đảm việc nhà, lại tham gia nhiệt tình công tác xã hội, hai vợ chồng đều làm kinh tế giỏi”.
Tận thấy những điều anh Nguyên nói, chúng tôi cũng thấy râm ran một niềm xúc động trước hạnh phúc của vợ chồng anh Dựa. Tôi nhìn lên vách tường gỗ ở chính giữa ngôi nhà, những bằng khen, giấy khen của vợ chồng Lận, nhiều nhất là của Lận, treo chật kín tới mức không còn chỗ, một chồng giấy khen khác phải bọc trong túi ni lông, xếp trên chiếc lộc bình gỗ mà anh Dậu mới đưa từ quê Quan Sơn ra với dụng ý sẽ trang trí cho ngôi nhà mới.
Lên Sa Thầy được vài năm, khi cuộc sống đã tạm ổn định, vợ chồng Lận đón hai đứa con lên ở cùng. Vèo cái, thằng bé lớn năm nay lên lớp 9, cao lênh khênh hơn bố một cái đầu. Con bé thứ hai hết hè vào lớp 3, đen trùi trũi và mạnh khỏe như một bé gái Jrail, Bahnar, Êđê… chính hiệu. Anh Dậu ngoài việc chăm sóc, cạo mủ 2.000 cây cao su nhận khoán của nông trường còn sắm thêm một chiếc xe công nông chở thuê cho bà con trong xã. Nông trường ưu ái dành việc chở phân đạm bón vườn cao su cho vợ chồng Lận. Hà Thị Lận là một trong số rất nhiều những công nhân từ ngoại tỉnh đến Tây Nguyên làm cao su, sớm có cuộc sống ổn định trong vùng đất mới.
Quần cư ở Ia Tơi
Khu dân cư 41 của xã Ia Tơi (huyện Ia H’Drai) là khu dân cư mới lập chừng 6 năm tuổi. Thế mà nơi đây đã có gần 50 nóc nhà quần cư dọc con đường trổ từ ngã ba trung tâm xã, an ninh vững vàng hơn nhờ trụ sở công an xã đứng chốt ngay đầu con đường vào thôn.
Cuộc gặp mặt đầu giờ chiều của những công nhân đến từ
vùng Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa) lập nghiệp trên đất mới
huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Kiên Trung
Nông trường Mom Ray 4 do anh Võ Công Mỹ Giám đốc Nông trường Mo Ray 4 (Công ty Cao su Chư Mom Ray) quản lý có diện tích 1.375 ha, trong đó phần lớn là diện tích cao su đang khai thác mủ, với 236 công nhân, giao khoán mỗi người phụ trách lô 2.000 cây, vừa chăm sóc vừa cạo mủ. Mỗi tháng, dựa trên sản lượng mủ, mỗi công nhân thu nhập trên dưới 7 triệu đồng. Thời kỳ cao điểm, giá mủ cao su cao, thu nhập có thể lên tới hơn chục triệu đồng.
Công nhân nông trường Mom Ray 4 hầu hết là bà con người Mường, người Thái ở Quan Hóa (Thanh Hóa) “đầu quân” từ năm 2011, nhiều người trước đó đã làm cao su ở các tỉnh khác, nhiều người ở quê được bạn bè đi trước giới thiệu dẫn dắt nhau lên làm công nhân. Cho nên, rất nhanh, xóm người Mường, người Thái vùng Quan Hóa – Bá Thước trên đất mới Kon Tum đã sớm ổn định, đi vào nề nếp. Ở huyện mới Ia H’Drai, những khu dân cư mới thành lập, quây quần, sum tụ, phần lớn là công nhân nông trường cao su đã hình thành, ấm chỗ trên các xã vùng biên Ia Đal, Ia Dom, Ia Tơi, được những cánh rừng cao su 20 năm tuổi chở che, bao bọc.
Kiên Trung, nguồn: https://nongnghiep.vn/quan-cu-duoi-tan-rung-cao-su-o-ia-hdrai-d356479.htm, ngày 20/7/2023 (HG trích dẫn)