Tin tức

Bán tín chỉ các-bon: Tiềm năng lớn của ngành nông nghiệp

15/04/2024

Là một trong các quốc gia hàng đầu trồng rừng, chế biến và xuất khẩu đồ gỗ, các chính sách của Việt Nam đang hướng đến một nền lâm nghiệp bền vững, đáp ứng các yêu cầu của thị trường, trong đó có vấn đề tài chính xanh và thị trường các-bon...
 


Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định: “Trong tương lai, thị trường mua bán tín chỉ các-bon sẽ ngày càng sôi động. Vì vậy, ngành nông nghiệp, lâm nghiệp Việt Nam cần phải đón đầu xu hướng này để tăng cao lợi nhuận ngay từ bây giờ”. Trên thực tế, trong vài năm qua, Việt Nam đã thực hiện thành công những thương vụ bán tín chỉ các-bon, với tổng giá trị lên đến khoảng 60 triệu USD. Trong đó, Chương trình Khí sinh học ngành chăn nuôi Việt Nam với 181.683 công trình khí sinh học được xây dựng, được các tổ chức quốc tế đánh giá là đã đóng góp vào việc giảm phát thải khí nhà kính. Thông qua Chương trình khí sinh học, đến nay Việt Nam đã bán được 3.072.265 đơn vị tín chỉ các-bon, thu về 8,1 triệu USD.
Rừng được đánh giá có khả năng hấp thu khí các-bon nhiều nhất. Trong năm 2023, ngành lâm nghiệp Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ các-bon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB). Với đơn giá bán tín chỉ 5 USD/tấn các-bon hấp thụ, tổng giá trị của hợp đồng lên tới 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng). WB đã thanh toán toàn bộ số tiền nêu trên cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. “Hiện WB đang ký kết với 15 quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam về mua bán tín chỉ các-bon, với giá chi trả trung bình cho mỗi tấn hấp thụ các-bon rừng là 5 USD. Trong đó, khoảng 95% số tín chỉ thu được sẽ được tính vào đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của quốc gia đó; 5% số tín chỉ còn lại sẽ do WB nắm giữ”, theo đại diện của WB.
Rừng là nơi hấp thụ và lưu trữ các-bon
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Các lĩnh vực như chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng đều có triển vọng chuyển hướng sang canh tác, sản xuất giảm phát thải khí nhà kính, với các giải pháp sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ… Theo tính toán, chỉ riêng trong ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ các-bon mỗi năm (tương đương 57 triệu tấn CO2 giảm phát thải). Nếu thực hiện được các giao dịch tương xứng, nước ta có tiềm năng bán tín chỉ các-bon với giá trị khoảng 300 triệu USD/năm”.
Tại tọa đàm “Tài chính các-bon và cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam” mới đây, đại diện của WB cho biết thông qua Cơ chế REDD+ (Cơ chế giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng), một số tổ chức quốc tế ký kết với chính quyền địa phương hoặc quốc gia để chi trả tài chính nhằm hạn chế nạn phá rừng và phục hồi rừng. Tổng giá trị của thị trường các-bon từ rừng trên toàn thế giới được chi trả năm 2023 đạt xấp xỉ 2 tỷ USD và tất cả đều thông qua Cơ chế REDD+. Trong vòng 3 năm gần đây kể từ năm 2020, chi phí chi trả cho tín chỉ hấp thụ các-bon rừng đều tăng trưởng 10%/năm. Giá trung bình mỗi tín chỉ hấp thụ các-bon từ rừng hiện đang dao động khoảng từ 1,62 USD/tấn đến 8,99 USD/tấn, nhưng phần lớn được các tổ chức quốc tế chi trả ở mức 5 USD/tấn tín chỉ. Dự kiến đến năm 2030, tổng giao dịch tín chỉ hấp thụ các-bon từ rừng trên toàn cầu sẽ đạt khoảng 20 tỷ USD (gấp 10 lần so với năm 2021).
Cũng tại tọa đàm trên, ông Phùng Quốc Mẫn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh, cho biết trong hai tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của nước ta tăng trưởng 59% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2024, ngành hàng gỗ và sản phẩm gỗ phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 16 tỷ USD và 25 tỷ USD vào năm 2030. Theo ông Mẫn, Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) từ 01/10/2023 đối với hàng hóa nhập khẩu vào EU. CBAM sẽ chính thức được áp dụng từ năm 2026 ở nhiều lĩnh vực sẽ tác động đến nhiều ngành xuất khẩu của Việt Nam.
Cơ hội cho ngành lâm nghiệp
“Việt Nam hiện có 14 triệu ha rừng, nếu quản lý bền vững sẽ tạo ra các tín chỉ các-bon thông qua hoạt động tăng hấp thụ các-bon, tăng giá trị lớn cho nền kinh tế. Nếu biết khai thác hiệu quả nguồn tín chỉ các-bon này, ngành gỗ không chỉ đóng góp vào mục tiêu Net Zero mà còn gia tăng hiệu quả kinh tế từ nguồn tài chính xanh cho những người trồng rừng”, ông Mẫn nhấn mạnh. PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết trong khung quy định chung toàn cầu khẳng định phải cải thiện tình hình hấp thụ các-bon trên thế giới thì mới có thể lấy được tín chỉ các-bon.
“Nếu việc này được thực hiện từ năm 1995 khi diện tích che phủ rừng còn thấp, cùng thực hiện quy trình ngay từ đầu thì giá trị tín chỉ các-bon của nước ta sẽ là rất lớn. Tuy nhiên, lúc đó vì không làm nên bây giờ chỉ có thể thu tín chỉ các-bon bằng cách cải thiện khả năng hấp thụ so với mức hiện tại”, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ tiếc nuối.

Quảng Tuệ, nguồn: https://vneconomy.vn/ban-tin-chi-carbon-tiem-nang-lon-cua-nganh-nong-nghiep.htm, ngày 10/4/2024 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>