Tin tức >> Tin cao su ngoài nước

Tác động của việc áp giá trần đối với thị trường dầu toàn cầu

19/12/2022

Lần đầu tiên trong lịch sử, thị trường dầu thế giới chứng kiến một mức khống chế đối với giá bán trong gói biện pháp trừng phạt nhằm vào một quốc gia. 


Sức ép của phương Tây đối với nước Nga đang bước sang một mặt trận mới. Nếu như trước đây, trong trường hợp Iran hay Venezuela, các lệnh trừng phạt trong lĩnh vực năng lượng nhằm vào khối lượng dầu xuất khẩu thì lần này, phương Tây nhằm vào giá dầu của Nga. Mục tiêu được nói rõ là để ngăn chặn dòng tiền mà Nga có thể dùng vào cuộc xung đột tại Ukraine, một thế trận hiện đang được nhận định là sẽ còn kéo dài và lợi thế sẽ thuộc về bên nào có thể trụ được lâu hơn. Việc nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 2 thế giới bị áp giá trần rõ ràng là yếu tố mà các bên sẽ đều phải tính đến khi hoạch định chính sách năng lượng của mình. Mỗi ngày, nếu thế giới tiêu thụ khoảng 100 triệu thùng dầu thì 1/10 trong số đó là dầu của Nga.
Với mức giá trần 60 USD/thùng mà nhóm G7 và Liên minh châu Âu (EU) thống nhất áp đặt, dầu Nga không thể bán được với giá cao hơn khi vận chuyển đến các nước thứ ba qua đường biển. Theo giới phân tích, mức giá trần này không có tác động lớn tức thì đối với Nga vì thực tế là gần với giá dầu Urals bán ra thị trường trong thời gian qua. Mức giá trần chỉ có thể cản trở Moscow thu lợi nhuận khi giá dầu tăng cao và việc áp giá trần được thực thi nghiêm ngặt.
Ở thời điểm sau ngày 05/12/2022, giá dầu Nga trên thị trường đang giảm. Chuyên gia của Quỹ An ninh Năng lượng Nga từng cảnh báo, nguồn thu từ dầu sụt giảm sẽ đánh vào điểm dễ bị tổn thương nhất của kinh tế Nga – ngân sách nước này. Theo Bộ Tài chính Nga, thâm hụt ngân sách liên bang năm 2022 đã tăng hơn gấp đôi, ở mức 2% thay vì 0,9% GDP như dự báo ban đầu. Không phải đến bây giờ mà trước đó, Nga cũng đã tính toán việc cắt giảm sản lượng dầu để bù đắp những tác động tiêu cực từ việc áp giá trần của phương Tây. Vào tháng 10 năm nay, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak từng công bố, sản lượng dầu của Nga trong năm nay ước tính đạt 530 triệu tấn và có thể sẽ giảm xuống còn 490 triệu tấn vào năm 2023.
Hiện Nga đang cân nhắc các phương án nhằm đáp trả phương Tây. Theo đó, lựa chọn thứ nhất là cấm hoàn toàn việc xuất khẩu dầu thô Nga sang các nước liên quan việc ủng hộ áp trần giá dầu. Thứ hai là cấm xuất khẩu dầu theo các hợp đồng trong đó có điều khoản liên quan trần giá dầu. Thứ ba là đưa ra “giá biểu thị”, xác định mức giảm tối đa của dầu Urals dựa trên dầu thô Brent và sẽ không thông qua bất cứ thỏa thuận bán dầu nào nếu mức giảm này gia tăng. Nga đã nhiều lần khẳng định sẽ không cung cấp dầu cho các quốc gia áp mức giá trần “chống lại thị trường” dù phải có phải cắt giảm sản lượng. Và theo ước tính của Cơ quan Năng lượng quốc tế IEA, Nga có thể giảm sản lượng khoảng 1,4 triệu thùng dầu/ngày ngay từ đầu năm 2023.
Các đoàn tàu chở dầu tại East Chicago, bang Indiana, Hoa Kỳ
Ảnh: AP
Trong một thế giới mà dầu mỏ vẫn là huyết mạch của các nền kinh tế như hiện nay, tiếng nói của người bán – các nhà sản xuất dầu lớn – luôn được thị trường theo dõi sát sao. Theo tuyên bố của Tổng thống Nga Putin, chuyện giá cả sẽ không thể do người mua quyết định vì đó là cách thức phi thị trường. Nga cũng đã nhiều lần cảnh báo từ trước về việc sẽ đáp trả cũng như những hậu quả cho chính các nước phương Tây nếu trần giá dầu được áp đặt. Phía Hoa Kỳ và châu Âu cho rằng, trần giá dầu là một biện pháp hiệu quả để gây khó khăn cho Nga. Một trong những lập luận được Thủ tướng Estonia Kaja Kallas đưa ra là cứ mỗi 1 USD giảm ở giá trần thì Nga sẽ thiệt hại 2 tỷ USD. Viện Tài chính quốc tế có trụ sở tại Hoa Kỳ đưa ra con số ước tính giá trần có thể đẩy thâm hụt ngân sách của Nga lên mức 3% GDP trong năm 2023, tức là lên tới hơn 50 tỷ USD. Việc áp trần giá dầu không chỉ đơn thuần là một quyết định về kinh tế, mà nó nằm trong tổng thể cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây trong bối cảnh xung đột tại Ukraine. Và dầu được chọn vì là mặt hàng chiến lược, có ý nghĩa sống còn đối với nền kinh tế Nga.
Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế, sản lượng dầu thô của Nga ước tính 10 triệu thùng dầu/ngày. Doanh thu từ dầu đóng góp tới hơn 30% vào ngân sách của Nga. Ngay cả khi bị áp giá trần như hiện nay, dự kiến Nga vẫn thu được 10 – 15 tỷ USD mỗi tháng từ xuất khẩu dầu, ngang với mức của năm 2021, tức là trước khi xảy ra xung đột Ukraine. Trong số các điểm đến của dầu Nga theo số liệu của năm 2021, có thể thấy, riêng EU và Hoa Kỳ đã chiếm quá nửa, tới 55%. Khách hàng lớn tiếp theo là Trung Quốc, chiếm khoảng 1/5. Còn lại là các nước khác. Vậy sau khi đối mặt các lệnh trừng phạt, dầu của Nga được xuất đi những đâu? Các cảng biển của Nga, nơi các tàu chở dầu vào lấy hàng rồi lên đường đi khắp thế giới, vẫn luôn tấp nập. Trong tháng 11 vừa qua, lượng xuất khẩu dầu của Nga qua đường biển đạt hơn 3 triệu thùng/ngày. Khoảng 67% lượng dầu thô từ các cảng của Nga hướng đến châu Á, tăng mạnh so với mức 40% trước khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 02.
Chủ tịch Viện Nghiên cứu toàn cầu Ấn Độ, ông Ashok Sajjanhar cho biết: “Các nước vẫn tiếp tục nhập khẩu dầu của Nga, như Ấn Độ, Trung Quốc và một số nền kinh tế mới nổi khác”. Nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Nga đã tăng lên 1,9 triệu thùng/ngày vào tháng 11 từ mức 1,82 triệu thùng trong tháng 10. Trong số này, có 1,05 triệu thùng vận chuyển qua đường biển, 850 nghìn thùng là qua đường ống. Cùng trong thời gian này, Ấn Độ nhập khối lượng dầu thô cao kỷ lục từ Nga là 1 triệu thùng/ngày, cao hơn gần 100 nghìn thùng/ngày so với tháng 10 và gấp 10 lần so với thời điểm trước khi nổ ra xung đột tại Ukraine. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, ông Subrahmanyam Jaishankar cho rằng: “Nghĩa vụ cơ bản của chúng tôi là đảm bảo người tiêu dùng Ấn Độ có thể tiếp cận tốt nhất có thể, theo các điều khoản có lợi nhất đối với thị trường dầu mỏ và khí đốt quốc tế. Về mặt đó, chúng tôi thấy rằng quan hệ Ấn Độ – Nga đã có hiệu quả tích cực cho chúng tôi. Vì vậy, nếu nó mang lại lợi ích cho Ấn Độ, chúng tôi muốn tiếp tục duy trì”.
Lượng xuất khẩu khẩu dầu của Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng đáng kể, từ 320 nghìn thùng/ngày lên 540 nghìn thùng/ngày trong tháng 11. Theo hãng phân tích Refinitiv Eikon, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng gấp đôi nhập khẩu dầu của Nga trong năm nay. Ông Simone Tagliapietra tại Viện Nghiên cứu Bruegel, Bỉ cho biết: “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cố gắng hưởng lợi nhiều nhất có thể để có được nguồn năng lượng giá rẻ của Nga nhưng đồng thời không làm sứt mẻ liên minh NATO”. Nguồn dầu dồi dào của Nga cũng đang đổ đến Sri Lanka, với 60% lượng dầu thô nhập khẩu kể từ tháng 5 là đến từ Nga. Tại Trung Đông – châu Phi, các nước trong khu vực này đã nhập khoảng 268 nghìn tấn dầu tinh chế từ Nga trong tháng 9, trong đó Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất chiếm tỷ trọng cao nhất với 198 nghìn tấn, tiếp theo là Yemen với 38 nghìn tấn và Iraq là 26 nghìn tấn.
Vào thời điểm này, mọi sự chú ý đang đổ dồn vào các cảng biển của Nga, để xem lượng tàu vào ra như thế nào. Các hệ thống theo dõi tàu qua vệ tinh của phương Tây không bỏ sót chi tiết nào, ví dụ như trong ngày đầu tiên áp giá trần hôm 05/12, hãng cung cấp phân tích hàng hải
MarineTraffic thông báo vẫn có hai tàu rỗng, một treo cờ Malta, một treo cờ Liberia, đang trên đường tới Nga. Nga cũng đang khai phá các tuyến đường mới ngắn hơn để chuyển dầu sang châu Á, kể cả là đi qua Bắc cực, là tuyến đường khó đi hơn nhưng rút ngắn được một nửa thời gian so với thông thường.

Nguồn: https://vtv.vn/the-gioi/tac-dong-cua-viec-ap-gia-tran-doi-voi-thi-truong-dau-toan-cau-20221211122556236.htm, ngày 11/12/2022 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>