Hoạt động >> Hoạt động khác

Thứ trưởng Trần Thanh Nam và Đoàn Công tác của Bộ Nông nghiệp & PTNT làm việc với Hiệp hội Cao su Việt Nam

18/01/2016

 Chiều ngày 07/9/2015, tại TP.HCM, Thứ trưởng Trần Thanh Nam và Đoàn Công tác của Bộ Nông nghiệp & PTNT gồm các đại diện của Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (NLTS&NM), Cục Trồng trọt, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT đã có buổi làm việc với Hiệp hội Cao su Việt Nam và một số Hội viên của Hiệp hội.


 Đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch Hiệp hội – đã chào mừng Thứ trưởng Trần Thanh Nam và Đoàn Công tác đến làm việc để tạo điều kiện cho Hiệp hội báo cáo về thực trạng của ngành, những thuận lợi, khó khăn và vướng mắc của Hiệp hội, Hội viên, đồng thời đề xuất các kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước. Theo báo cáo tình hình ngành cao su của ông Võ Hoàng An – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội – trong 8 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu cao su thiên nhiên ước đạt 632.000 tấn, tăng khoảng 11% về lượng nhưng giảm 10,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014, đạt khoảng 921 triệu USD với đơn giá bình quân khoảng 1.458 USD/tấn, giảm 19,2%. Năm 2014, Việt Nam giữ vị trí thứ ba về sản lượng, chiếm 7,9% sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu và thứ tư về xuất khẩu với thị phần 11,2%. Hiện nay, ngành cao su Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, bên cạnh những yếu tố khách quan của thị trường thế giới như tình trạng cung vượt cầu, giá dầu thô giảm tạo áp lực giảm giá cao su, Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ… các yếu tố nội tại như chủng loại chưa phù hợp với thị trường, chất lượng chưa đồng đều, các vướng mắc về chính sách… cũng đã ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành.

Tại buổi làm việc, đại diện doanh nghiệp Hội viên và lãnh đạo Hiệp hội đã phản ánh trực tiếp với Thứ trưởng và Đoàn Công tác về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp ngành cao su trong thời gian qua, tập trung vào những vấn đề như: quản lý chất lượng cao su, xây dựng thương hiệu ngành, chính sách thuế giá trị gia tăng đối với mủ cao su sơ chế, chính sách miễn giảm tiền thuê đất đối với vườn cao su tái canh trong thời gian xây dựng cơ bản, cấp hoặc đổi giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án cao su ở nước ngoài, đưa các dự án trồng cao su vào danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp nông thôn…
Theo ông Nguyễn Tiến Đức – Phó Chủ tịch Hiệp hội – cơ quan quản lý Nhà nước cần quy hoạch nhà máy chế biến cao su phù hợp với từng vùng nguyên liệu và hỗ trợ nghiên cứu cơ cấu chủng loại sản phẩm nhằm hạn chế việc mất cân đối so với nhu cầu thị trường, xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bắt buộc áp dụng đối với cao su thiên nhiên. Nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường kiểm soát chất lượng cao su và quản lý các nhà máy chế biến, ông Trần Ngọc Thuận kiến nghị, bên cạnh quy hoạch gắn với vùng nguyên liệu, cần quản lý chặt chẽ cả chất lượng nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra. Vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội đề xuất cần có cơ quan liên bộ tham gia quản lý chất lượng cao su với yêu cầu cao su thiên nhiên khi xuất khẩu phải có chứng chỉ kiểm phẩm để giảm thiểu tình trạng hàng kém chất lượng, làm ảnh hưởng chung đến uy tín của ngành và gây khó khăn cho việc xây dựng thương hiệu cao su Việt Nam.
Tham dự buổi họp, ông Võ Thành Đô – Phó Cục trưởng Cục Chế biến NLTS&NM – cho biết, Cục Chế biến NLTS&NM sẽ phối hợp với Hiệp hội, VRG và một số cơ quan ban ngành trong việc quản lý chất lượng cao su, bước đầu sẽ xây dựng bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho cao su nguyên liệu. Bên cạnh đó, Cục Chế biến sẽ nghiên cứu các vướng mắc, kiến nghị của Hiệp hội nhằm có cơ sở để đề xuất với các Bộ, ngành liên quan cùng tháo gỡ. 
Thứ trưởng Trần Thanh Nam (thứ bảy từ trái qua) và Đoàn Công tác của Bộ Nông nghiệp & PTNT chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo Hiệp hội Cao su Việt Nam và Hội viên
Sau buổi làm việc, Bộ NN&PTNT đã có công văn số 7839/TB-BNN-VP ngày 23/9/2015 nêu ý kiến kết luận của Thứ trưởng Trần Thanh Nam. Theo đó, Thứ trưởng đánh giá cao vai trò của Hiệp hội Cao su Việt Nam qua các hoạt động thường xuyên của Hiệp hội, nắm bắt tốt tình hình sản xuất, chế biến và phát triển thị trường, thông tin và định hướng kịp thời cho Hội viên; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) giúp hội viên mở rộng thị trường xuất khẩu; chủ động đề xuất cơ chế chính sách với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Nhằm giúp ngành cao su phát triển ổn định và tăng trưởng, Thứ trưởng đã đề nghị các đơn vị liên quan tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:
Đối với Hiệp hội Cao su Việt Nam: Cần khẩn trương xây dựng đề án hoặc kế hoạch tái cơ cấu ngành cao su, trong đó, đề xuất các nội dung thực hiện cụ thể, các dự án, các mô hình cần xây dựng và cơ chế, chính sách hỗ trợ; chủ động lựa chọn, đề xuất xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị (từ sản xuất, chế biến đến thị trường); đề xuất các cá nhân, doanh nghiệp tiêu biểu trong liên kết sản xuất, chế biến cao su để khen thưởng trong dịp tổng kết xây dựng nông thôn mới (dự kiến tháng 11/2015); tiếp tục lập kế hoạch XTTM hàng năm, chú trọng XTTM trong nước để tăng tỷ lệ tiêu thụ nội địa; xem xét và báo cáo cụ thể với Bộ NN&PTNT về các rào cản kỹ thuật và thuế đối với thị trường xuất khẩu cao su, tình hình xây dựng và phát triển thương hiệu Cao su Việt Nam, thực trạng và đề xuất xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để quản lý chất lượng trong sản xuất và chế biến cao su thiên nhiên; tăng cường trao đổi thông tin với các cơ quan chuyên môn của Bộ hàng quý, tiến đến hàng tháng…
Đối với các cơ quan chuyên môn: nghiên cứu tham mưu cho Bộ các nội dung nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và định hướng phát triển đối với ngành cao su, tập trung các nhóm vấn đề sau:
Chính sách ưu đãi đầu tư đối với các dự án trồng và chế biến cao su được hưởng ưu đãi đầu tư theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ;
Chính sách về Thuế GTGT đối với cao su sơ chế; miễn tiền thuê đất vườn cao su trồng mới và tái canh trong thời gian xây dựng cơ bản;
Làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất  cho các đối tượng tham gia trồng cao su để có cơ sở pháp lý chứng minh nguồn gốc hợp pháp của gỗ cao su khi xuất sang châu Âu và một số quốc gia nhằm nâng cao giá trị cho gỗ và đồ gỗ cao su; Xem xét và hướng dẫn các dự án trồng cao su được hưởng chính sách của lâm nghiệp và chính sách về dịch vụ môi trường rừng của Quỹ bảo vệ & phát triển rừng;
Phối hợp, cung cấp số liệu thống kê về diện tích, sản lượng cao su để làm cơ sở cho công tác quy hoạch phát triển cây cao su phù hợp với thị trường. Bộ đồng ý giữ nguyên quy hoạch diện tích trồng cao su đến năm 2020, tiếp theo sẽ quy hoạch 750.000 ha, cụ thể đối với từng vùng, từng địa phương.
Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các đơn vị liên quan, hướng dẫn hỗ trợ hiệp hội trong việc triển khai xây dựng các mô hình liên kết điển hình;
Nghiên cứu đề xuất đưa các dự án phát triển cao su miền núi phía Bắc được hưởng các chính sách vay ưu đãi từ nguồn tín dụng Nhà nước và lồng ghép với các dự án xây dựng nông thôn mới tại địa phương;
Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản sẽ chủ trì họp với cơ quan liên quan để thống nhất phân công nhiệm vụ quản lý chất lượng cao su thiên nhiên;
Cục Chế biến NLTS&NM sẽ chủ trì: phối hợp rà soát toàn bộ danh mục các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (TCVN) ngành cao su đã có, đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các TCVN còn thiếu; phối hợp với Cục Trồng trọt và Hiệp hội Cao su Việt Nam xây dựng quy hoạch các cơ sở chế biến cao su thiên nhiên gắn với vùng nguyên liệu; nghiên cứu tổ chức Hội nghị “Tăng cường quản lý chất lượng và hỗ trợ xây dựng thương hiệu ngành cao su” theo đề xuất của Hiệp hội Cao su Việt Nam.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam
 


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>