Hoạt động

Tham dự Cuộc họp thành viên quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Hội đồng quản lý rừng (FSC)

07/09/2023

Hiệp hội Cao su Việt Nam tham dự Hội nghị thành viên quốc tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) củaHội đồng quản lý rừng (FSC) trong hai ngày 31/8 và 01/9/2023 được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Hội nghị quy tụ các thành viên của FSC đến từ Indonesia, Ấn Độ, Đài Loan, Malaysia, Myanmar, New Zealand, Úc, Đức, Hồng Kông, Fiji và Việt Nam cùng khách mời từ các bên liên quan trong ngành lâm nghiệp. 


Quang cảnh Hội nghị
Chương trình tập trung lắng nghe ý kiến từ các thành viên và chia sẻ của các chuyên gia trong lĩnh vực lâm nghiệp cũng như thảo luận về những thách thức và cơ hội tồn tại trong khu vực liên quan đến việc chống phá rừng tới các thành viên. Bên cạnh đó, các thành viên có cơ hội chia sẻ về văn hóa, kinh tế, môi trường giữa các quốc gia nằm trong khu vực APAC và những khó khăn, giải pháp đối với thực hiện các hoạt động liên quan đến rừng bền vững.
Theo bà Jaki Yeung, Quản lý thành viên FSC, khu vực APAC đặt ra thách thức cho FSC khi các quốc gia có nền văn hóa khác nhau, mức độ tương tác thấp giữa nền văn hóa đa dạng và trải dài trên nhiều múi giờ. Vì vậy, không dễ dàng tổ chức các hoạt động có sự hỗ trợ của các nước và thách thức đặt ra là hiểu rõ các vấn đề mà mỗi đất nước quan tâm để từ đó xây dựng một chiến lược chung.
Bà Cindy Cheng, Giám đốc khu vực APAC cho biết 17 nước APAC được cấp chứng nhận FSC-FM cho diện tích 9,08 triệu ha và là khu vực nhận thức cao nhất về thị trường sản phẩm FSC. Chuỗi giá trị chính tại APAC phát triển trên bốn ngành nghề bao gồm: Gỗ nhiệt đới, cao su, dệt may, giấy. Những thách thức chính của khu vực APAC bao gồm: Sự đa dạng văn hóa, hàng rào ngôn ngữ; Khó khăn trong việc cam kết; Môi trường pháp lý, quan hệ với chính phủ; Địa chính trị; Luật chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR); Tính toàn vẹn của hệ thống; Cơ sở hạ tầng và hậu cần.
Bà Vũ Thị Quế Anh, đại diện FSC Việt Nam cho biết chuỗi giá trị chính tại Việt Nam đối với xuất khẩu gỗ là đồ nội thất, vật liệu xây dựng và nguyên liệu gỗ trong đó có 63 đơn vị được cấp chứng chỉ FSC FM/CoC với hơn 226.000 ha, được trồng với các loài chính là keo, bạch đàn. Các nhiệm vụ chính của FSC tại Việt Nam bao gồm: Nâng cao nhận thức, hiểu biết về chứng nhận FSC và thông tin yêu cầu về tính hợp pháp tại Việt Nam thông qua các chiến dịch và sự kiện; Tăng cường sự phù hợp của FSC tại Việt Nam thông qua việc triển khai Tiêu chuẩn Quản lý Khu vực tại Việt Nam để hỗ trợ chứng nhận nhóm hộ trong nước; chứng nhận cao su, gỗ thô và lâm sản ngoài gỗ (NTFP) để tăng nguồn cung cấp; tham gia với các bên liên quan/đối tác khác nhau để quảng bá FSC.
Ngoài ra, FSC Việt Nam còn hỗ trợ các nhà cung cấp Việt Nam liên kết với các đối tác khác nhau trong chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng, kết nối với người mua tiềm năng và nhà cung cấp được chứng nhận, từ đó giúp doanh nghiệp có thông tin cung cấp FSC tốt hơn từ Việt Nam và tăng nhu cầu về sản phẩm từ các vùng rừng được chứng nhận. Bà Vũ Thị Quế Anh cho biết thêm, Tiêu chuẩn Quản lý Rừng FSC khu vực dành cho các hộ tiểu điền (RFSS) ở Việt Nam hiện đã được FSC phê duyệt. Tiêu chuẩn này dành cho các hộ tiểu điền sở hữu hoặc quản lý từng đơn vị đồn điền có diện tích nhỏ hơn 20 ha tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, bà Vũ Thị Quế Anh cho biết thêm, chứng nhận các-bon của FSC đã có từ năm 2021 tại Hương Sơn (Hà Tĩnh), tạo ra những tác động tích cực – tận dụng những tiềm năng CO2 để cải thiện nguồn nước và đa dạng sinh học cũng như tạo việc làm. Tại Quảng Trị, rừng cộng đồng đầu tiên được chứng nhận FSC (2.145 ha), chứng nhận các-bon của FSC với 7.000 tấn CO2 được cô lập hàng năm.
Ông Salem Jones, Quản lý chương trình FSC, cho biết Khung khắc phục của FSC mới mở ra khả năng khắc phục các tác hại về môi trường và xã hội như một yêu cầu để đủ điều kiện tham gia hệ thống FSC, bao gồm: Khuyến khích các công ty cải thiện và chuyển đổi hoạt động lâm nghiệp mang lại kết quả tích cực cho các khu rừng trên thế giới; Thúc đẩy phục hồi và bảo tồn rừng; Tăng tính minh bạch và trách nhiệm chuyển đổi và bảo vệ tính toàn vẹn của chứng nhận FSC.
Chia sẻ về việc sửa đổi chuỗi hành trình sản phẩm, César Gonçalves, Quản lý chính sách FSC, chia sẻ về quy trình gồm chín bước, bao gồm: Xem lại báo cáo; Thiết lập khung tiêu chuẩn; Giai đoạn khái niệm (tham vấn tập trung); Điều khoản tham chiếu; Thành lập nhóm công tác; Soạn thảo (tham vấn công khai và tập trung); Kiểm tra; Dự thảo và quyết định cuối cùng; Xuất bản và thực hiện. Có hai giai đoạn để các thành viên FSC tham gia bao gồm: Giai đoạn khái niệm là cơ hội cho các bên liên quan đóng góp vào việc phát triển các kết quả dự kiến chính và nội dung chuyên đề/cao cấp và Giai đoạn soạn thảo là nội dung kỹ thuật dựa trên từ giai đoạn khái niệm.
Chia sẻ về Dịch vụ hệ sinh thái (ES), ông Rocky Islandar làm việc trong lĩnh vực Dịch vụ khí hậu và hệ sinh thái khu vực dẫn đầu Đông Nam Á, cho biết yêu cầu về FSC ES đáp ứng việc hiểu biết về dấu chân rừng, minh bạch về tiến độ và Sáng kiến Mục tiêu Dựa trên Khoa học (SBTI). Ông cho biết thêm, chứng nhận FSC ES có mặt 58 địa điểm trên toàn cầu với 3,2 triệu ha diện tích rừng có tác động đến dịch vụ hệ sinh thái đã được xác minh. Ngoài ra, thách thức FSC ES chính là bên bán và bên mua có động lực để tiêu thụ và năng lực đáp ứng còn hạn chế.
Bà Joanna Nowakowska, Giám đốc Hiệu suất hệ thống FSC, chia sẻ về chủ đề cập nhật đối với EUDR, cho biết, về nguyên tắc, FSC có vị thế phù hợp để hỗ trợ các công ty đáp ứng nhu cầu tuân thủ EUDR. Tuy nhiên, điều này vẫn đòi hỏi những khoản đầu tư lớn dưới hình thức thay đổi hệ thống nhanh chóng và các giải pháp công nghệ đòi hỏi phải loại bỏ các hoạt động khác, bao gồm cả một số hoạt động trong khung thực hiện chiến lược toàn cầu. Bên cạnh đó, hợp tác với các bên có kinh nghiệm khác là chìa khóa để cung cấp kịp thời có liên quan phạm vi áp dụng rộng rãi. Điều quan trọng là tiếp cận bất kỳ giải pháp liên kết và phát triển nào từ góc độ người dùng bằng cách tạo ra giá trị bổ sung mà hệ thống của FSC có thể cung cấp – chứ không phải bằng cách áp đặt các yêu cầu bổ sung. Trong bối cảnh quyết định về Khung thực hiện và ngân sách cho năm 2024, công việc nào cần được ưu tiên sẽ được làm rõ để đáp ứng đối với EUDR.

Văn phòng HHCSVN (Thanh Vân) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>