Thông tin hội viên

Cao su giúp bừng sáng buôn làng Tây Nguyên

11/07/2022

Công cuộc phát triển cây cao su và các buôn làng Tây Nguyên của các công ty thành viên Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.


Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’leo: Cao su mở rộng đến đâu, buôn làng thay đổi diện mạo đến đó

 “Mới đầu vận động, bà con đồng bào không biết và không hiểu gì về cây cao su. Thời gian này người đồng bào chỉ làm thủ công, lãnh đạo nông trường, các tổ sáng đánh kẻng đi làm, chiều đánh kẻng đi về chứ không khoán sản phẩm. Để giúp người dân tại chỗ, công ty có chính sách là người đồng bào dân tộc Tây Nguyên vào làm công nhân thì người thân được ăn theo. Ví dụ cha mẹ được 15 kg gạo còn con thì tùy theo lứa tuổi mà được 5 hay 10 kg gạo. Với chính sách này người lao động là đồng bào dân tộc xin vào công ty rất đông”, ông Trương Công Lực, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cao Su Ea H’leo nhớ lại.Khi phát triển cao su thời kỳ đầu thì đa số đất tại đây thuộc của người đồng bào, đời sống chưa phát triển. Sau khi công ty vào phát triển kinh tế thì toàn bộ đường, điện, trường học được đầu tư. “Cái thành công lớn nhất của tôi là công ty đã giúp đỡ chính quyền địa phương, người dân xã Ea Tir phát triển. Xã Ea Tir được thành lập vào năm 2007, thời điểm này cơ sở vật chất không có, đời sống người dân khó khăn. Bằng sự hỗ trợ của công ty đến nay có thể nói xã Ea Tir đã hoàn toàn thay đổi, có sức sống”, ông Lực nói thêm.
Công ty TNHH MTV Cao su Ea H'leo luôn quan tâm,
chăm sóc cho các công nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Ảnh: Quang Yên
Ông Lê Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’leo cho biết, trải qua gần 40 năm xây dựng và phát triển với 30 cán bộ ban đầu đến nay công ty đã có 1.390 lao động, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 45%.Từ chỗ cơ sở vật chất không đáng kể, đến nay tổng giá trị tài sản của công ty đã đạt 757 tỷ đồng. Các chỉ tiêu sản lượng, chỉ tiêu kinh tế xã hội luôn đạt cao hơn năm trước. Năng suất vườn cây, năng suất lao động, tiền lương bình quân được nâng lên. Sản xuất kinh doanh ổn định, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước giao. Theo ông Lê Anh Tuấn, lao động của công ty được chú trọng trẻ hóa. Trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật và trình độ lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên, công nhân lao động dần được nâng lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Công ty cũng luôn quan tâm, coi trọng đến những lợi ích thiết thực của người lao động, đó là việc làm và thu nhập ổn định. Các chế độ chính sách, quyền lợi của người lao động được công ty thực hiện đầy đủ, chi trả kịp thời. Vì vậy, người lao động thực sự an tâm, tin tưởng và cống hiến vì sự phát triển của công ty.
Từ chỗ đường giao thông chỉ toàn là đường đất đỏ, mùa nắng đầy bụi, mùa mưa sình lầy; điện nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt thiếu thốn... Đến nay, từ công ty đến các nông trường, nhà máy, xí nghiệp và các tổ đội, đường giao thông liên thôn, liên xã vùng sâu, vùng xa đã có đường trải nhựa, đường cấp phối; đầy đủ điện nước phục vụ cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt; có trạm y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu cho công nhân và con em công nhân, nhân dân trong vùng đều được đến trường. Từ chỗ, cây cao su chỉ ở giai đoạn mới phát triển trên vùng đất mới, đầy khó khăn, đến nay đã trở thành vùng kinh tế cao su phát triển, góp phần thay đổi cơ bản bộ mặt nông nghiệp – nông thôn tại địa bàn chiến lược quan trọng tại huyện Ea H’Leo.Công tác xã hội cũng được công ty thực hiện tốt như tổ chức thăm hỏi, tặng quà thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng; vận động cán bộ, công nhân viên chức và người lao động ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; quỹ “Vì người nghèo”, “Mái ấm Công đoàn”.
Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo: “Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’leo đã đóng góp rất nhiều cho địa phương trong việc tạo công ăn việc làm, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất. Đặc biệt, công ty luôn phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ an sinh xã hội đối với các hộ dân trên địa bàn. Có thể khẳng định với mục tiêu ban đầu là quan tâm đến người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, từng bước nâng cao đời sống cho người lao động, giải quyết an sinh xã hội, góp phần cùng với địa phương xây dựng phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định an ninh quốc phòng thì công ty đã hoàn thành tốt”.
Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê: Có nhà, cái ăn nhờ tham gia công nhân cao su
Ông Trần Ngọc Lộc, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê cho biết, công ty đã xác định ngay từ những ngày đầu muốn tồn tại và phát triển phải tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và chính quyền địa phương các cấp, tranh thủ sự giúp đỡ của Công ty Cao su Dầu Tiếng. Theo ông Lộc, điều quan trọng hơn hết vẫn là sự tự thân vận động, đoàn kết trên dưới một lòng vì vườn cây cao su, vì đời sống người lao động. “Khó mà kể hết những nhọc nhằn gian truân của buổi đầu xây dựng, không thể đo đếm được công lao khai phá và chắt chiu của những người tình nguyện đi mở đất, xây dựng nông trường. Những cán bộ thời mới thành lập công ty đã làm thay đổi tập quán của những bước chân trần quen du canh, du cư nay trụ lại với vườn cây cao su”, ông Lộc nhớ lại.
Song bằng những kinh nghiệm quý báu từ công ty “mẹ” với phương châm: “Thâm canh ngay từ đầu”, gắn bó với công nhân đồng bào dân tộc thiểu số; những người cán bộ ban đầu, kiên trì bám trụ, tìm mọi giải pháp chăm sóc tốt diện tích cao su đã trồng; vượt qua thiếu thốn, chia sẻ khó khăn để vượt lên phía trước.Từ những vườn cây có diện tích nhỏ, sau gần 40 năm đến nay công ty đang quản lý diện tích 7.538 ha cao su trên địa bàn 3 huyện: Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông của tỉnh Gia Lai. Công ty có 5 Nông trường cao su, 1 Xí nghiệp chế biến mủ, 1 Trung tâm y tế chăm lo sức lo sức khỏe cho cán bộ, công nhân lao động và nhân dân địa phương. Ngoài ra, công ty cũng tham gia góp vốn thành lập Công ty CP Cao su Chư Sê – Kampong Thom tại Campuchia. Tại đây, công ty đã hoàn thành công tác trồng mới với diện tích 16.286,68 ha.
Ông Trần Ngọc Lộc cho biết, đến thời điểm hiện nay số công nhân là đồng bào dân tộc chiếm 48% cán bộ toàn công ty. Trong định hướng phát triển, thì sau khi đưa diện tích cao su mới vào khai thác sẽ ưu tiên tuyển dụng người đồng bào dân tộc thiểu số vào làm. Công ty phấn đến năm 2025 trên 50% cán bộ, công nhân là người dân tộc thiểu số tại địa phương. Đây là nhiệm vụ chính trị ngay từ đầu khi thành lập công ty, đó là quan tâm đến chính sách cho người đồng bào dân tộc tại chỗ. Trong thời gian qua việc sử dụng người đồng bào gắng liền với tình hình an ninh chính trị tại địa phương.
Các công nhân là người dân tộc tại chỗ có thu nhập
ổn định,cuộc sống được cải thiện nhờ làm
công nhân cao su. Ảnh: Quang Yên
Để giúp công nhân tăng thu nhập, công ty cắt giảm tối đa những khoản chi không cần thiết để bù đắp vào đơn giá tiền lương nhằm đảm bảo đời sống người lao động. Nhờ đó, thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân lao động đạt 7,62 triệu đồng/người/tháng. Các chế độ chính sách đối với người lao động như: Bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động, bồi dưỡng độc hại, ăn giữa ca... đều được thực hiện đầy đủ.Ngoài ra, do địa bàn rộng nên công ty cũng xác định phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, cùng với chính quyền địa phương quy hoạch những diện tích đất đưa vào sử dụng mục đích chung như làm nhà cho công nhân, phục vụ an ninh quốc phòng…
Gắn bó với cao su gần 10 năm, chị H’Hen (36 tuổi, công nhân của Nông trường cao su Ia H’Lốp,) đã sửa sang được căn nhà gỗ mục nát, con cái được đến trường. Kinh tế khó khăn, chị H’Hen được Nông trường cao su Ia H’Lốp, xã Ia H’Lốp, huyện Chư Sê nhận vào làm công nhân. Từ đây, cuộc sống của nữ công nhân này cùng gia đình mới bắt đầu được cải thiện. “Vào làm công nhân, sau 9 năm được công ty tạo điều kiện xây nhà, mua xe máy. Hiện nay thu nhập mỗi tháng hơn 7 triệu đồng/tháng, nhờ có thu nhập ổn định con cái được đi học. Nếu không tham gia công nhân thì gia đình không được như ngày hôm nay”, chị H’Hen nói và cho biết, ngoài thu nhập từ lương của công ty, gia đình nữ công nhân này còn nhận khoán 2 ha của công ty để trồng cà phê. Mỗi năm gia đình có thêm nguồn thu nhập ổn định.
Là một trong những người gắn bó với Nông trường cao su Ia H’Lốp từ đầu, bà Phan Thị Phương Thảo (Đội trưởng đội 8, Nông trường cao su Ia Lốp) cho biết, công nhân người đồng bào tay nghề rất ổn định. Nguyện vọng của họ là tha thiết với đời sống công nhân, bám với ngành cao su để phát triển kinh tế. Trước đây chưa có cây cao su, cuộc sống của người đồng bào rất khó khăn. Tuy nhiên, từ khi cây cao su được trồng tại địa phương thì đời sống họ thay đổi hoàn toàn. “Ngày trước chưa có cao su người dân sống bằng ruộng lúa. Tuy nhiên người đồng bào ít đất nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Nhà thường dùng gỗ để ghép lại. Từ ngày tham gia công nhân có thu nhập hàng tháng đầy đủ. Việc cạo mủ chỉ diễn ra trong buổi sáng, buổi chiều nghỉ họ có thể làm ruộng hay các công việc khác để kiếm thêm thu nhập. Đến nay có nhiều công nhân là người đồng bào kinh tế rất vững, họ mua được rẫy, xây được nhà, mua được xe máy, tivi”, bà Thảo nói thêm. Nữ tổ trưởng cho biết hầu những người tham gia công nhân đều có kinh tế rất khá so với những hộ không làm công nhân cao su. Nhiều buôn, làng hiện nay có đến 50% – 60% lực lượng lao động tham gia công nhân cao su. Chỉ những trường hợp không nằm trong độ tuổi lao động mới làm việc khác.
Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum: Cuộc sống nhờ vào cao su
Các công nhân của Nông trường cao su Ngọc Wang
cho biết, nhờ có cao su mà họ thoát nghèo.
Ảnh: Quang Yên
Nông trường cao su Ngọc Wang thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum có diện tích 692 ha, trong đó diện tích khai khác là 560 ha. Tại đây có 150 công nhân khai thác mủ nhưng người đồng bào địa phương chiếm 75% – 80%. Họ cho biết bắt đầu công việc từ 2 giờ sáng và thường sẽ kết thúc vào buổi trưa. Tuy công việc vất vả, thức khuya nhưng nhờ có cao su mà đời sống của họ được thay đổi, ấm no hơn.
Làm công nhân từ lúc còn là thiếu nữ, nữ công nhân Y Thia đã gắn bó với Nông trường cao su Ngọc Wang gần 14 năm. Đây cũng là khoảng thời gian gia đình nữ công nhân có cuộc sống đầy đủ, không còn bấp bênh, thiếu thốn như trước. Theo nữ công nhân, ban đầu việc cạo mủ không quen nên rất khó khăn. Tuy nhiên sau thời gian học việc đến nay tay nghề đã ổn định, thu nhập hằng tháng hơn 7 triệu đồng.Cũng gắng bó với Nông trường cao su Ngọc Wang gần 10 năm, nữ công nhân Y Ngoắc cho biết, hiện gia đình có cuộc sống ổn định. Theo Y Ngoắc, trước khi làm cao su 2 vợ chồng không có đất nên phải thuê để trồng mì. Do mì trồng một năm chỉ được 10 triệu đồng, còn hàng tháng không có công việc ổn định nên chỉ trông chờ vào đồng lương ít ỏi của chồng. Do khó khăn nên 2 vợ chồng xin vào làm công nhân cho Nông trường. Từ khi làm công nhân thì cuộc sống gia đình ổn định hơn, có tiền làm nhà, lo cho con cái học hành.
“Do công nhân nông trường chủ yếu người địa phương nên họ ý thức cao. Các công nhân của nông trường là một trong những đơn vị có tay nghề cao của công ty. Hàng năm công ty đánh giá và thường xuyên tổ chức đào tạo lại cho công nhân. Đời sống của các công nhân có thu nhập từ 7 – 7,5 triệu đồng/người/tháng, đã góp phần giúp phát triển thu nhập của công nhân, công dân tại địa phương”, Ông Lê Đức Chính, Giám đốc Nông trường cao su Ngọc Wang cho biết.
Ông Ngô Văn Mân, Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum cho biết, đơn vị hiện đang quản lý 9.623,04 ha, trong đó có 6.819 ha diện tích cao su trong chu kỳ khai thác; vườn cây công ty trải dài trên địa bàn 7/9 huyện, thành phố. Năm 2011, Công ty đạt sản lượng 9.540 tấn thì sau 10 năm năm 2021 sản lượng đạt 11.530 tấn mủ quy khô, đứng đầu khu vực Tây Nguyên và đứng trong tốp 5 công ty có sản lượng cao trong toàn ngành Cao su Việt Nam. Công ty có 8 nông trường đạt 2 tấn/ha, 5 tổ sản xuất đạt 3 tấn/ha, đặc biệt trong 10 năm liền công ty là thành viên câu lạc bộ 2 tấn/ha của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Công ty hiện có 6.019 cán bộ, công nhân và người lao động, trong đó cán bộ, công nhân là 1.465 người; hộ nhận khoán và hộ liên kết là 4.554 hộ; lao động nữ chiếm 53%, số lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 75% tổng lao động toàn công ty.
Theo ông Lê Đức Hân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, công ty đóng chân trên địa bàn Kon Tum với nhiệm vụ chính là phát triển kinh tế địa phương, giúp người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ổn định cuộc sống. Do vậy những năm qua công ty luôn ưu tiên tuyển dụng lao động là người đồng bào tại địa phương, đây là nhiệm vụ số một của công ty nhằm giải quyết công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn. Việc này cũng giúp cho địa phương hoàn thành mục tiêu giảm nghèo trong bộ tiêu chí của Nông thôn mới và góp phần phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Công ty cũng đầu tư cơ sở hạ tầng như giao thông nội vùng, đầu tư nhà trẻ, hệ thống văn hóa thể thao. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng không chỉ nhằm để phục vụ đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân công ty nói riêng và mà còn giúp người dân tại địa phương nói chung phát triển kinh tế.
 “Công ty phối hợp với chính quyền địa phương vận động, đưa công nhân vào làm cho công ty có thu nhập ổn định thì giảm bớt hộ nghèo cho địa phương. Đến nay đã cơ bản hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà tranh tre nứa lá cho người lao động, 100% nhà ở của công nhân đều được xây dựng từ cấp 4 trở lên. Trong đó có nhiều nhà xây dựng kiên cố, đảm bảo an cư để lạc nghiệp. Ngoài ra, người lao động còn tích cực phát triển kinh tế gia đình, ước thu nhập bằng khoảng 50% tiền lương. Do đó, đời sống của người lao động trong công ty được đảm bảo ổn định và tương đối cao so với mặt bằng chung của tỉnh Kon Tum nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung”, ông Hân tự hào. Ngoài phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, góp phần ổn định an ninh chính trị địa phương thì việc phát triển cây cao su còn thực hiện nhiệm vụ chính trị là phủ xanh đất trống đồi trọc. Bởi, trước đây rừng tại Kon Tum là loang lổ, người dân theo tập quán du canh, du cư không ổn định. Người dân phá rừng canh tác một thời gian, sau khi đất bị thoái hoá người dân lại đi nơi khác phát rẫy làm nương, chính vì vậy việc phát triển cao su đã góp phần tăng độ che phủ rừng của tỉnh Kon Tum.
Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang: Hồi sinh những vườn cao su có năng suất thấp
Ông Lê Huy Phu, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang chỉ về vườn cây cao su với vẻ tự hào, phấn khích. Ông Phu cho biết, nhờ cách quản lý con người cũng như quá trình cảo tạo tốt nên vườn cây luôn đạt năng suất cao. Với những vườn cao su hơn 10 năm tuổi, nếu phối hợp cạo úp và ngửa có thể cho năng suất 2,5 tấn/ha trong 1 năm.Ông Phu cũng cho biết, trước đây bệnh phấn trắng hoành hành khiếu nhiều vườn cao su bị trơ trụi lá dẫn đến năng suất kém. Tuy nhiên, vừa qua công ty đã thực hiện công tác phun thuốc phòng trị bệnh đồng loạt cho vườn cây. Đặc biệt, việc chuyên phun thuốc từ ban ngày sang ban đêm đã phát huy hiệu quả cao. Theo lý giải, ban ngày nắng gió nhiều, khi phun thuốc sẽ khó hấp thụ. Còn vào ban đêm với độ ẩm cao khi phun thuốc sẽ đọng lại trên cành là lâu hơn, phát huy hiệu quả tốt hơn.
 “Hiện tại toàn bộ vườn cây đã ổn định, bộ lá đẹp hơn rất nhiều so với các năm trước, kéo theo đó năng suất tăng cao rõ rệt”, ông Phu chia sẻ. Minh chứng cho thấy, lượng khai thác mủ cao su năm nay cũng nhanh hơn so với kế hoạch. Tính đến 18/5/2022, Cao su Mang Yang đã khai thác được 1.130 tấn mủ quy khô, đạt 21,3 % kế hoạch năm (sản lượng nhiều hơn 530 tấn, tiến độ thực hiện kế hoạch nhanh hơn 7,1 % so với cùng kỳ năm 2021). Về chế biến, theo kế hoạch năm 2022 sẽ khoảng 7.500 tấn. Tuy nhiên, công ty phấn đấu đạt khoảng 9.000 tấn. Về tiêu thụ, lũy kế 5 tháng đầu năm với tổng sản lượng tiêu thụ 1.918 tấn. Trong đó, cao su tự khai thác 676 tấn, cao su thu mua 845 tấn và cao su nguyên liệu 392 tấn. Với giá bán bình quân 39,076 triệu đồng/tấn, tổng doanh thu đạt hơn 106 tỷ đồng. Với những gì đã đạt được trong 5 tháng đầu năm, công ty tin tưởng sẽ vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Ông Trương Minh Tiến, Tổng Giám đốc Cao su Mang Yang,
nói về quy trình chế biến mủ cao su thành phẩm.
Ảnh: Tuấn Anh
Vì mục tiêu ổn định sản xuất, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang luôn ưu tiên giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, đặc biệt là người đồng bào của địa phương để góp phần an cư lạc nghiệp, từng bước thoát nghèo.Ông Trương Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Mang Yang cho biết, tổng số cán bộ công nhân viên của công ty hiện có khoảng hơn 1,500 người, trong đó, người đồng bào dân tộc thiểu số gần 800 người, chiếm trên 50%. Riêng trong năm 2022, công ty đã ưu tiên tuyển dụng gần 300 người đồng bào dân tộc thiểu số vào làm việc. Về chế độ, người đồng bào dân tộc thiểu số cũng khác hơn so với lao động bình thường. Cụ thể, trong 3 tháng mùa khô, người lao động đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được hỗ trợ thêm 300 ngàn đồng/tháng. Ngoài ra, nếu vượt định mức được giao, người đồng bào dân tộc thiểu số cũng sẽ được thưởng cao hơn. Cùng với đó, hàng năm công ty cũng đã tổ chức cho nhiều đoàn đi tham quan nghỉ mát để động viên người lao động, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số gắn bó lâu dài với công ty.
Ông Tiến cho biết, không chỉ hỗ trợ người đồng bào, công ty còn luôn xác định, lợi nhuận phải đi đôi với việc bảo vệ môi trường, ở đó người dân trong vùng dự án phải được hưởng lợi. Trong 3 năm trở lại đây, tình hình kinh doanh đã có nhiều khả quan nên công ty luôn chú trọng đến vấn đề hỗ trợ cho địa phương. Cụ thể, hỗ trợ 3 huyện Mang Yang, Đắk Đoa, Chư Sê mỗi năm xây dựng 10 căn nhà tình thương, hỗ trợ phòng chống COVID-19. Đặc biệt, công ty đã ký hợp tác với các huyện để thực hiện chương trình xây dựng 100 km đường giao thông nông thôn. Trong đó, nhà nước chi trả 80%, còn lại 20% do công ty hỗ trợ. Ngoài ra, công ty cũng sẽ dùng quỹ phúc lợi để hỗ trợ huyện Mang Yang trồng khoảng 3km hàng thông để tạo cảnh quan du lịch sau này. Xa hơn, công ty sẽ đăng ký với huyện xây dựng cánh rừng khoảng 20 – 30 ha với những cây thuộc loại di sản quý hiếm để lại cho con cháu mai sau.
Dù có thăng trầm hay biến động của tình hình kinh tế song các thế hệ lãnh đạo của công ty luôn quan tâm và chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Trước đây, đường giao thông đi lại rất khó khăn, điện, nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt còn thiếu thốn… Đến nay, từ công ty tới các nông trường, xí nghiệp, nhà máy và các tổ đội sản xuất, giao thông liên thôn, liên xã đã có đường trải nhựa, cấp phối, điện lưới quốc gia phục vụ sản xuất kinh doanh và sinh hoạt. Trung tâm Y tế của công ty đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho công nhân và nhân dân, góp phần làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông nghiệp – nông thôn – nông dân trên địa bàn.
Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh: Những ngày khó khăn đã qua
Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh quản lý hơn 14.000 ha cao su trong và ngoài nước (Việt Nam trên 9.800 ha, Campuchia trên 4.200 ha) với 8 Nông trường và Công ty Phát triển Cao su C.R.C.K; 2 đơn vị thuộc khối sản xuất phụ và phục vụ: Xí nghiệp Cơ điện Chế biến (có 2 Nhà máy) và Trung tâm Y tế. Công ty quản lý trên 2.300 người, trong đó công nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 70% và là đơn vị có tỷ lệ công nhân người đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất khu vực Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Là một trong những người làm Giám đốc Nông trường cao su Hà Tây đầu tiên, ông Phạm Đình Luyến, nay là Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh cho biết, những ngày đầu vào đây rất cừ kỳ gian nan vất vả. Công ty có 8 nông trường, nông trường trẻ nhất mới được thành lập năm 2000. Thời điểm thành lập, nông trường với mục tiêu chính là phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tạo công ăn việc làm cho người dân vùng sâu vùng xa theo Nghị định 134, 135 của Chính phủ.Do tập quán canh tác và cuộc sống của người dân du canh, du cư nên việc vận động họ giao đất, tham gia công ty gặp nhiều khó khăn. “Để đưa cao su vào trồng, nông trường đã nhiều lần làm việc với chính quyền địa phương, già làng, trưởng bản. Lúc đầu bà con các làng không đồng thuận, không cho trồng cao su vì lý do vùng Hà Tây măng nhiều. Người dân sống bằng măng, cao su lấy đất thì họ sống bằng gì”, ông Luyến nhớ lại. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc của cả hệ chính trị và công ty cam kết sẽ xóa đói giảm nghèo theo đường lối của Đảng và Chính phủ, tạo công ăn việc làm cho người dân chứ không phải lấy đất. Khi đó, người dân mới đồng ý giao đất, tham gia vào nông trường.
Việc vận động người dân khó khăn một thì việc đưa cao su vào trồng khó khăn mười. “Do không có đường đi mỗi công nhân phải vác cây giống đi bộ 15 – 16km để đến khu vực trồng. Cả nông trường phải kiên trì hàng năm trời thì những cây cao su đầu tiên mới có sự sống tại vùng đất Hà Tây”, ông Luyến nói.Nông trường đã trồng được cao su nhưng làm sao để người dân gắn bó, có công ăn việc làm cũng được cả công ty đưa ra bàn thảo. Vì sau khi vận động xong người dân vào làm công nhân được vài tháng là nghỉ vì không chịu được quy định giờ giấc. “Công ty đã vận đồng bằng nhiều hình thức thì 1 – 2 năm khi lương cao thì họ mới bắt đầu gắng bó. Khi công ty đưa vào khai thác mủ đã chấp nhận lỗ vì tay nghề công nhân chưa cao. Đặc biệt khi vào khai thác thì tuân thủ nghiêm ngặt giờ giấc của công ty nên nhiều công nhân không chịu nổi. Để tạo cạnh tranh, nông trường đã đưa vào 5 – 10% công nhân là người Kinh và dân tộc phía Bắc để làm. Họ vào đã tạo được sự cạnh tranh giúp người dân địa phương ở đây tự ý thức được công việc”, ông Luyến nói thêm.
Những chén mủ cao su chảy trên vùng đất Chư Păh
 giúp người đồng bào tại đây có cuộc sống ổn định.
Ảnh: Quang Yên.
Vị Tổng Giám đốc cho biết thêm, năm 2003 Huyện ủy Chư Păh có Nghị quyết giao nông trường đỡ đầu cho xã Hà Tây thành địa phương điển hình về công tác xóa đói giảm nghèo; từ vùng 3 xuống vùng 2 và tạo được bề thế, trách nhiệm an sinh xã hội trên mọi mặt. Nhận nhiệm vụ, công ty, nông trường đã bỏ hàng trăm tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng cho chính quyền xã Hà Tây. Đối với công tác an sinh xã hội, Nông trường đã chi hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ cây giống, con giống giúp người dân có công việc. Đặc biệt, đến nay trong làng mỗi nhà có 1 – 2 công nhân làm việc cho nông trường. Đây là thành công nhất của dự án này. Đến nay nông trường cơ bản đã hoàn thành mục tiêu phủ xanh đất trống đồi trọc và giúp người dân địa phương xóa đói giảm nghèo. Lương của công nhân đạt trên 8 triệu đồng/tháng, ông Luyến tự hào.
Ông Biên, Chủ tịch UBND xã Hà Tây, huyện Chư Păh: “Nếu không có nông trường cao su đứng chân trên địa bàn thì địa phương không có sự thay đổi, phát triển như ngày hôm nay. Đây là chủ trương đúng đắn từ Trung ương đến địa phương và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam. Năm 1998, xã Hà Tây chỉ có 1 làng thực hiện định canh, định cư. Nhưng đến nay nhờ có cao su mà xã có 9 làng và hơn 5.000 nhân khẩu với cuộc sống ổn định”.
Với phương châm phát triển cây cao su đến đâu, công ty tuyển dụng người đồng bào dân tộc tại chỗ ở đó vào làm công nhân nhằm giải quyết công ăn việc làm, giúp xóa đói giảm nghèo. Thời gian qua, công ty đã thực hiện nhiều dự án trồng cao su, dự án chăn nuôi, chương trình xóa đói giảm nghèo… Từ đó giúp người dân là đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo trên chính mảnh đất của mình. 


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>