Tin tức

Xây dựng tầm nhìn lãnh đạo hướng tới cam kết ESG

05/02/2024

Sự đổi mới về nhân sự và văn hóa doanh nghiệp hướng tới cam kết ESG đang trở thành một xu hướng quan trọng trong thế giới kinh doanh hiện đại
 


Trên hành trình đổi mới và phát triển của doanh nghiệp, văn hóa và tầm nhìn của lãnh đạo đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đặc biệt là trong công cuộc thúc đẩy việc thực hiện các cam kết ESG – bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố về môi trường (E), đóng góp xã hội (S) và quản trị doanh nghiệp (G) để ghi nhận sức ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng xã hội. Lãnh đạo không chỉ là người định hướng chiến lược với các mục tiêu ESG của doanh nghiệp; mà còn là người tạo ra một môi trường làm việc đa dạng, công bằng và hòa nhập, khuyến khích sự tư duy sáng tạo và tham gia của nhân viên. Với tầm nhìn và sự dẫn dắt, đổi mới về nhân sự và văn hóa doanh nghiệp hướng tới ESG hiện đã trở thành xu hướng và là một nhiệm vụ cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
Đánh giá cao vai trò của lãnh đạo doanh nghiệp là rất quan trọng trong việc thực thi ESG, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững cho biết, lãnh đạo có thể giúp định hướng quản lý, phân bổ nguồn lực vào các hoạt động phù hợp. Trong suốt quá trình doanh nghiệp thực hiện cam kết ESG, lãnh đạo cần đồng hành cùng các bộ phận, phòng ban để đảm bảo ESG được thực hiện hiệu quả và liên tục. Ngoài ra, họ cũng cần theo dõi tiến độ và đánh giá hiệu quả của hoạt động ESG để từ đó điều chỉnh các quy định cho phù hợp. Là lãnh đạo, bạn cần có nhiệm vụ thiết lập tầm nhìn và mục tiêu cam kết ESG của doanh nghiệp. Điều này giúp tạo ra sự minh bạch và trách nhiệm trong việc thực hiện cam kết ESG của doanh nghiệp và cung cấp thông tin cần thiết cho bên ngoài để đánh giá hiệu quả và tác động của doanh nghiệp đối với ESG. Song song đó, người lãnh đạo cần đảm bảo rằng ESG không chỉ là một khía cạnh riêng lẻ, mà phù hợp với các mục tiêu tài chính và các lợi ích khác của công ty; cần thiết có thể xác định việc tái cấu trúc doanh nghiệp để tuân thủ các nguyên tắc ESG.
Lãnh đạo cần thúc đẩy việc chia sẻ thông tin và học hỏi từ các tổ chức, thành viên khác trong cộng đồng ESG. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc nắm bắt xu hướng mới, tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm từ những người khác, đồng thời đóng góp vào việc phát triển ESG. Lãnh đạo còn cần xây dựng mối quan hệ và hợp tác với các đối tác, nhà đầu tư có chung tầm nhìn và cam kết ESG. Qua việc hợp tác và chia sẻ thông tin để tận dụng tài nguyên và kinh nghiệm của những đối tác này để thúc đẩy phát triển ESG trong doanh nghiệp.
Cuối cùng, giao tiếp rõ ràng và minh bạch với cổ đông, nhà đầu tư, khách hàng và các bên liên quan khác về tiến trình và kết quả thực hiện ESG là trách nhiệm của người đứng dầu doanh nghiệp. Lãnh đạo cần thông báo và giải thích về cam kết, tiến trình thực hiện ESG của doanh nghiệp. Việc này có thể được thực hiện thông qua báo cáo tài chính, báo cáo bền vững, thông tin trên trang website và các cuộc họp....
Theo một khảo sát mới đây do Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thực hiện cho thấy, 12,5% doanh nghiệp có chỉ định một lãnh đạo ESG là cấp Giám đốc với các chỉ tiêu và KPI rõ ràng, có vai trò và quyền hạn để điều hành chương trình ESG, báo cáo với Hội đồng quản trị; còn lại đa phần tương đương khoảng 40,8% doanh nghiệp đều có lãnh đạo ESG nhưng kiêm nhiệm nhiều vai trò khác trong tổ chức/giới hạn quyền hạn và 46,7% doanh nghiệp là không có lãnh đạo ESG. Không bất ngờ khi các doanh nghiệp có tiềm lực và quy mô lớn luôn có sự tham gia của lãnh đạo nhiều hơn chiếm tỷ lệ 80,6% so với các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ là 19,4%. Các doanh nghiệp Việt Nam muốn đạt được nhiều thành tựu hơn trên con đường “xanh hóa” thì cần nhiều hơn nữa sự đóng góp của các vị lãnh đạo.
Ông Vũ Đăng Vinh, Tổng Giám đốc Vietnam Report cho hay, sự đổi mới về nhân sự và văn hóa doanh nghiệp hướng tới cam kết ESG đang trở thành một xu hướng quan trọng trong thế giới kinh doanh hiện đại. Để đạt được cam kết bền vững về môi trường, xã hội và quản trị, các doanh nghiệp cần thấy rằng đây là điều cần thiết. Trong phương thức kinh doanh truyền thống, doanh nghiệp thường tập trung chủ yếu vào khía cạnh tài chính, nhưng ESG đã chuyển trọng tâm vào các yếu tố không tài chính, bao gồm môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp thường tập trung vào những thay đổi để hướng tới cam kết ESG.
Toàn cảnh toạ đàm với chủ đề
“ESG: Biến cam kết thành hành động”.
Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN
Do đó, nghiên cứu của Vietnam Report khuyến nghị, doanh nghiệp cần xây dựng chính sách tuyển dụng mới; trong đó ứng viên cần đáp ứng các tiêu chí ESG trong quá trình tuyển dụng để đảm bảo đội ngũ nhân sự mới khi gia nhập vào doanh nghiệp sớm có thể hòa nhập và không đi lệch hướng theo chủ trương của doanh nghiệp.
Song song đó, cần cung cấp đào tạo về ESG cho đội ngũ nhân viên hiện tại để nâng cao nhận thức và kỹ năng liên quan đến các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị. Doanh nghiệp cũng cần định rõ các tiêu chí và tham số ESG trong chính sách nhân sự, bao gồm việc tuyển dụng, thăng tiến, và đánh giá hiệu suất.
Tiêu chí đánh giá hiệu suất của nhân viên không chỉ đo lường hiệu suất kinh doanh, mà còn khả năng đóng góp vào mục tiêu ESG của công ty và tương tác tích cực với môi trường, xã hội và cộng đồng. Ngoài ra, để khuyến khích nhân viên đạt được mục tiêu ESG, nhiều doanh nghiệp nên đưa ra các chính sách tiền thưởng, hỗ trợ cho các hoạt động xã hội và môi trường, đảm bảo các chế độ phúc lợi tương xứng với tiêu chuẩn ESG.
Tăng cường khả năng tư duy và giải quyết vấn đề theo ESG cho đội ngũ lãnh đạo cũng rất quan trọng. Bằng cách đào tạo nhân viên về khả năng tư duy và phân tích liên quan đến ESG. Qua đào tạo, nhân viên được trang bị kiến thức về ESG, các tiêu chuẩn và nguyên tắc quan trọng liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị. Họ học cách xác định, đánh giá tác động ESG của các quyết định và hoạt động kinh doanh, đồng thời phân tích các thông tin liên quan để đưa ra quyết định phù hợp và có trách nhiệm. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khuyến khích nhân viên tham gia vào các dự án ESG, tạo điều kiện cho họ áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế. Điều này thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới trong việc áp dụng ESG, từ việc tìm kiếm giải pháp sáng tạo cho các thách thức ESG đến việc phát triển các dự án và chương trình ESG mới.
Song song đó, xây dựng môi trường làm việc đa dạng, công bằng và hòa nhập không chỉ tạo ra một nền tảng cho sự công bằng và nhân văn trong tổ chức, mà còn tăng cường hiệu suất và sự sáng tạo của nhân viên. Doanh nghiệp ngày càng chú trọng hơn đến việc tạo môi trường làm việc công bằng cho nhân sự bằng nhiều biện pháp như đánh giá năng lực không chỉ dựa trên đánh giá của quản lý trực tiếp mà còn đánh giá trên ý kiến của nhân sự cùng bộ phận, quản lý của những bộ phận liên đới. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng áp dụng phương thức đánh giá hai chiều như quản lý đánh giá nhân viên và nhân viên đánh giá quản lý cũng thu được kết quả tích cực.
Bên cạnh đó, việc tạo ra môi trường làm việc đa dạng cũng là xu hướng tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp. Thay vì chỉ tuyển dụng nhân sự trong cùng một độ tuổi với mức độ trải nghiệm giống nhau, nhiều doanh nghiệp có xu hướng tuyển dụng những người với tính cách khác nhau, đang ở những giai đoạn khác nhau trong sự nghiệp, từ đó có thể thúc đẩy sự sáng tạo và cho ra được nhiều quan điểm và ý kiến khác nhau.
Có thể thấy rằng, trong tiến trình thực hiện ESG, ban lãnh đạo được coi như đầu tàu chỉ hướng, giúp doanh nghiệp đi đúng đến trạm cần dùng. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, vai trò lãnh đạo của đội ngũ quản lý trong việc thực hiện ESG còn khá mờ nhạt và rất cần tiếp tục truyền thông để nâng cao hiểu biết và nhận thức.

Ngọc Quỳnh, nguồn: https://bnews.vn/xay-dung-tam-nhin-lanh-dao-huong-toi-cam-ket-esg/322718.html, ngày 01/02/2024 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>